Bà Chúa thơ Nôm và lễ hội Trò trám
Nhịp sống văn hóa 29/10/2021 17:56
Theo các tư liệu nghiên cứu, đặc biệt mới đây, trong cuốn Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương của tác giả Nghiêm Thị Hằng (Nhà xuấn bản Hồng Đức), cho biết thông tin rất cụ thể: Bà chúa thơ Nôm là con gái độc nhất của cụ đồ Hồ Phi Diễn, người quê Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cụ đồ Hồ Phi Diễn có người vợ cả ở quê, nhưng không sinh con. Sau khi người vợ cả chết, cụ đồ Hồ Phi Diễn lang bạt ra Bắc dạy học. Trong thời gian lưu lạc mở lớp dạy học, cụ Hồ Phi Diễn gặp và lấy người phụ nữ họ Hà quê Bắc Ninh làm vợ, sinh một con gái đặt tên là Hồ Phi Mai, có nghĩa là hoa mai bay trên hồ, biểu tự là Xuân Hương. Như vậy, bà Chúa thơ Nôm tên thật là Phi Mai, Xuân Hương là tên tự (tên chữ).
Bà Chúa thơ Nôm có mối tình với ông Nguyễn Bình Kình, người làng Gáp, nay thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông Nguyễn Bình Kình là người giỏi cả văn, cả võ, khi đi lính làm đến chức Đội, nên gọi là Đội Kình. Khi về quê nhà, ông làm đến chức Phó Chánh tổng, nên gọi là Tổng Kình. Thuở nhỏ, ông được gia đình gọi là Cóc, có lẽ để cho dễ nuôi. Trước khi có mối tình với bà Chúa thơ Nôm, ông Tổng Kình đã có hai bà vợ ở quê. Ông vốn là người hào hoa, thường thích giao du đây đó, gặp bạn văn thì đối đáp văn chương, thơ phú; gặp bạn võ thì tỉ thí võ nghệ. Khi gặp nữ sĩ Hồ Xuân Hương, hai người thường đối đáp bằng thơ, từ đó nảy sinh mối tình, kết lại bằng mối nhân duyên. Ngày xuân năm 1801, bà Chúa thơ Nôm cùng ông Tổng Kình du Xuân về làng Gáp, tham dự lễ hội Trò trám, tình cảm giữa hai người càng thêm nồng thắm, sâu đậm. Sau đêm tháo khoán ở lễ hội Trò trám, năm sau (năm 1802) ông Tổng Kình rước bà Chúa thơ Nôm về làm vợ lẽ (vợ thứ ba) trong thời gian ngắn ngủi, có hai năm, với bao khúc nhôi, cay đắng từng được thốt lên thành thơ: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/Người đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”; “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm/Cầm bằng làm mướn, mướn không công”. Ông Tổng Kình cũng vì đó chán chường với gia cảnh, thường bỏ nhà đi du ngoạn các nơi… Khi chủ động chia tay ông Tổng Kình sau hai năm chung sống, bà Chúa thơ Nôm để lại bài thơ “Khóc ông Tổng Cóc” nổi tiếng: “Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi/Thiếp bén duyên chàng có thế thôi/Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé/Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi”.
Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (ảnh minh họa – IT) |
Lại nói quê hương ông Tổng Kình là làng Gáp, có lễ hội Trò trám (còn gọi là Linh tinh tình phộc) độc đáo. Lễ hội này nhằm ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, là lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực rất cổ xưa của dân tộc Việt. Ở đây có ngôi miếu cổ gọi là Miếu Trò, xưa kia nằm trong rừng trám rậm rạp. Do đó, lễ hội này được gọi là Trò trám. Lễ hội có hai phần Lễ và Hội. Phần Hội gồm rước lúa thần và trình trò “Tứ dân chi nghiệp”, hay còn gọi là “Bách nghệ khôi hài”, do phường Trám diễn xướng. Đặc điểm của Hội là: trò, vè, hí tiếu, trêu, ghẹo, múa vui. Trò Tứ dân chi nghiệp lấy cốt là diễn lại các nghề của bốn giai cấp đặc trưng gồm: Sĩ – Nông – Công – Thương. Song, trong các hành động, lời hát đều mang tính ẩn dụ, hài hước và đều quy về phồn thực. Phần Lễ có các thủ tục: Cáo tế, dâng sớ và tâm điểm là lễ Mật. Hết phần tế, cũng là lúc giờ tốt đã điểm. Giờ tốt trong lễ hội này nhằm chính Tý, tức 0 giờ (24 giờ đêm), là thời khắc cử hành lễ Mật. Lúc này bên trong miếu, cụ Thủ từ ngồi trước điện thờ, gẩy cây đàn Giằng Xay rồi hát thờ. Hát xong, cụ trèo lên trên điện thờ, lấy ra hai linh vật gồm: Nõ (tượng trưng cho sinh thực khí của nam), Nường (tượng trưng cho sinh thực khí của nữ), rồi đưa cho đôi trai gái được chọn để hành lễ Mật. Đèn, nến trong miếu, ngoài sân tắt hết. Trong đêm tối mịt mùng, đôi nam nữ cầm linh vật quay mặt vào nhau, cụ Thủ từ hô “Linh tinh tình phộc” 3 lần. Sau mỗi lần hô, người nam cầm sinh thực khí nam đâm vào sinh thực khí nữ do người nữ cầm. Nếu đâm trúng cả 3 lần, năm ấy sẽ được mùa, cả làng đều nhân khang vật thịnh; nếu đâm trượt, thì năm đó là một năm khốn khó. Ở đây, động thái “Linh tinh tình phộc” tượng trưng cho phút khởi nguyên của một đời người, một sự việc, hiện tượng…
Màn Cấy lúa trong trò “Tứ dân chi nghiệp) |
Sau thời khắc nghi thức “Linh tinh tình phộc”, cụ Thủ từ hô lớn “Tháo khoán”, lập tức trong miếu tiếng chiêng trống nổi lên rùng rùng, để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết lễ Mật đã thành công. Theo phong tục, vào thời khắc thiêng liêng, các đôi trai gái cũng thực hiện lễ thức “tình phộc”, người nữ phải giữ lấy một vật của người nam để làm tin… Bà Chúa thơ Nôm và ông Tổng Kình cũng trải qua thời khắc “Tháo khoán” đó, rồi trở thành vợ chồng, mặc dù thời gian ngắn ngủi và không có con chung.
Không có căn cứ nào để nói rằng, phong cách thơ của bà Chúa thơ Nôm có ảnh hưởng phong cách diễn xướng trong trò “Tứ dân chi nghiệp” hay không, nhưng hai phong cách này có điểm giống nhau đến đặc biệt. Đó là đọc lên thì thanh, nhưng đều khiến người nghe liên tưởng đến nhiều hình tượng, hành vi phồn thực.
Ví dụ: Trong “Tứ dân chi nghiệp” có màn cấy lúa, câu hát là: “Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy lấy ông chủ nhà” hoặc “Đi cấy thì gốc chổng lên/Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng”. Ở đây rõ ràng câu hát mô tả việc đi cấy lúa, nhưng người nghe đều liên tưởng đến hình tượng, hành vi phồn thực. Còn trong bài “Vịnh cái quạt” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì: “Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa/Duyên em dính dán tự bao giờ/Chành ra ba góc da còn thiếu/Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa/Mát mặt anh hùng khi tắt gió/Che đầu quân tử lúc sa mưa/Nâng niu ướm hỏi người trong trướng/Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?”. Mặc nhiên đây là mô tả chiếc quạt giấy, với các nan quạt đều có lỗ để xâu, liên kết với nhau bằng cái suốt. Khi xòe quạt ra rõ ràng có ba góc và giấy quạt dường như rất thiếu, còn khép lại thì giấy quạt thừa ra so với các nan quạt… Thế nhưng, đọc lên ai cũng có liên tưởng đến hình tượng, hành vi phồn thực, rất rõ ràng. Hoặc ca từ trong trò “Tứ dân chi nghiệp”: “Đàn ông tậu ruộng ba bờ/Chớ để kẻ khác mang lờ đến đơm”; “Nhà ta vui cấy, vui cày/Làm ăn vất vả tối ngày không thôi”; “Cành câu trúc anh đúc lưỡi câu vàng/Anh tra mồi nguộc anh sang câu hồ/Người ta câu diếc câu rô/Anh đây câu lấy một cô không chồng”; “Người ta xẻ gỗ trên ngàn/Anh đây cưa lấy một nàng đương tơ/Em tài bắt chệch sớm trưa/Anh thì tài giỏi khéo cưa cùng phường”… Các ca từ này đều ẩn chứa ý tứ về hình tượng, hành vi phồn thực.
Lễ mật “Linh tinh tình phộc” trong lễ hội Trò trám |
Còn thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: Bài Bốn bà lang khóc chồng: “Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì/Thương chồng nên nỗi khóc tì ti/Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo/Cay đắng chàng ơi vị quế chi/Thạch nhũ, trần bì sao để lại/Quy thân, liên nhục tẩm mang đi/Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ/Sinh kí chàng ơi, tử đắc quy”; Bài Đánh đu: “Bốn cột khen ai khéo khéo trồng/Người thì lên đánh kẻ ngồi trông/Trai ôm gối hạc khom khom cật/Gái uốn lưng ông ngửa ngửa lòng/Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/Hai hàng chân ngọc duỗi song song/Chơi xuân đã biết xuân đâu tá/Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không”; Bài Dệt cửi: “Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau/Con cò mấp máy suốt đêm thâu/Hai chân đạp xuống năng năng chắc/Một suốt đâm ngang thích thích mau/Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả/Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau/Cô nào muốn tốt ngâm cho kĩ/Chờ đến ba thu mới dãi màu”…
Đặt ca từ trong trò “Tứ dân chi nghiệp” của lễ hội Trò trám bên cạnh tác phẩm của bà Chúa thơ Nôm, mới thấy sự giống nhau đến kì lạ. Không thể nói có ảnh hưởng nhau hay không, nhưng rõ ràng đậm chất văn hóa phồn thực, đặc trưng của dân tộc Việt.
Hội NCT TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: Thi đua nêu gương sáng |