6 tháng đầu năm 2021, VPBank lãi lớn từ chứng khoán
Đầu tư - Tài chính 05/08/2021 11:21
Tòa nhà ngân hàng VPBank. Ảnh VPBank |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank –VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2021 với lợi nhuận sau thuế đạt 4.016 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, nhà băng này báo lãi sau thuế 7.218 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập lãi thuần quý II/2021 của VPBank trong kỳ đạt 9.231,8 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 1.390,3 tỷ đồng, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ cũng đem về cho VPBank khoản lãi 1.084,9 tỷ đồng trong quý II/2021, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận quý II/2021 của VPBank tăng trưởng chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, hoạt động dịch vụ và lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VPBank trong quý II/2021 đạt 4.199 tỷ đồng, tăng 1,54 lần. Luỹ kế nửa đầu năm 2021, chỉ tiêu này của VPBank đạt 8.652 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của VPBank đạt 451.767 tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 310.852,5 tỷ đồng, chiếm 68,8% tổng tài sản, tăng trưởng 6,9%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn đạt 7.898,6 tỷ đồng, tăng 31,1%. Nợ có khả năng mất vốn đạt 1.113,7 tỷ đồng, giảm 46,3% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (bao gồm cả FE Credit) đạt 3,5. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm, đạt 44,7% trong khi cuối năm 2020 đạt mức 45,3%.
Tiền gửi khách hàng của VPBank tại ngày 30/6/2021, không có nhiều biến động so với đầu năm. Tiền gửi không kỳ hạn đạt mức 42.347 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm. Điều này giúp tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi được cải thiện từ 15,2% lên mức 18,1% vào cuối quý II/2021.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (bao gồm cả FE Credit) của VPBank đạt 3,5. |
Tìm hiểu của Ngày mới Online cho thấy, thời gian vừa qua giao dịch cổ phiếu của VPBank có nhiều giao dịch lạ và không ít lần việc giao dịch "chui" cổ phiếu VPBank đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Mới đây nhất, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 480 ngày 23/7/2021 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trần Ngọc Bê.
Lý do, ông Trần Ngọc Bê đã mua 1,48 triệu cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1/2021, mua 1,88 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 2/2021 và mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 3/3/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Ước tính, đà tăng giá của cổ phiếu VPBank đem về lợi nhuận cho ông Bê khoảng hơn 70 tỷ đồng.
Ông Bê bị phạt tiền 940,35 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu VPB. Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.
Thông tin về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trần Ngọc Bê |
Trên thị trường, VPB là một trong những mã có nhiều giao dịch bí ẩn. Còn nhớ cách đây vài năm, ngay trước và sau thềm niêm yết, nhiều công ty “lạ” đã giao dịch hàng trăm triệu cổ phiếu VPB để né thuế, “đút túi” lượng tiền không nhỏ. Đáng chú ý là các công ty này tương đối trùng hợp nhau người liên quan lãnh đạo, trụ sở, ngày thành lập, ngày chấm dứt hoạt động,…
Các công ty đã được nhắc đến Công ty TNHH đầu tư Lưu Khuyên, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng. Đến khi Trung tâm lưu ký chứng khoán thông báo trong tháng 3/2018 về cuộc chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu VPB của hai công ty này thì tổng số cổ phiếu chuyển nhượng này lên tới 99.945.946 cổ phiếu.
Hay như, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông báo đã thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu hơn 22,7 triệu cổ phiếu VPB của Công ty TNHH tư vấn kinh doanh Trang Thành, Công ty TNHH Quản lý đầu tư Tín Tâm chuyển quyền sở hữu 34,5 triệu cổ phiếu tại VPB. Hai công ty này cùng một kiểu giao dịch là cổ phiếu được chuyển lại cho chính người đại diện pháp luật của công ty. Không rõ những giao dịch này có phải chịu thuế không, nếu có dấu hiệu trốn thì xử lý ra sao, người đứng sau chịu trách nhiệm thế nào?
VPBank đã nộp đủ tiền thuế bổ sung Ngày 31/12/2020, Ngân hàng VPBank ban hành Công văn số 1853/2020/CV-VPB gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố thông tin kết luận kiểm tra thuế. Công văn cho biết, ngày 30/12/2020, Ngân hàng VPBank nhận được Quyết định số 2236/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế về việc xử lý vi phạm về thuế qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế năm 2018 và 2019. Số tiền thuế mà VPBank phải nộp bổ sung của năm 2018 là 7,67 tỷ đồng, của năm 2019 là hơn 6 tỷ đồng. Số tiền phạt kê khai sai và chậm nộp phát sinh liên quan của năm 2018 và năm 2019 lần lượt là 2,97 tỷ đồng và 1,67 tỷ đồng. Tổng số tiền mà VPBank phải nộp là hơn 18 tỷ đồng. Theo thông tin công bố của VPBank, số tiền phải nộp bổ sung chủ yếu là do kết quả kiểm tra điều chỉnh giảm chi phí dự phòng của khoản mục đầu tư dài hạn làm tăng lợi nhuận trước thuế năm 2018 và 2019 và tăng thuế TNDN phải nộp tương ứng. Khoản thuế TNDN này sẽ được điều chỉnh giảm vào số thuế TNDN năm 2020 của ngân hàng. "VPBank đã hoàn thành yêu cầu của cơ quan thuế theo Quyết định số 2236/QĐ-TCT và không còn nghĩa vụ liên quan đến Quyết định này”, thông tin công bố của VPBank nêu. |
Mua bán cổ phiếu 'chui', bị phạt gần 1 tỉ đồng Ông Trần Ngọc Bê, địa chỉ tại Thạch Bàn, Long Biên, thành phố Hà Nội bị xử phạt số tiền 940.350.000 đồng vì mua bán ... |
Đạt 92% kế hoạch cả năm, nợ xấu VPBank vẫn vượt 10.000 tỷ đồng Dù sau 9 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán VPB) đã hoàn ... |
Dư địa tăng trưởng VPBank trông vào đâu? Nhận thấy dư địa tăng trưởng của gà vàng FeCredit không còn nhiều, Vpbank đang tính chuyển hướng sang trái phiếu, chứng khoán,…Nhưng đây lại ... |
Cổ phiếu VPB và những giao dịch lạ Ngân hàng tập trung quyền lực theo nhóm gia đình có nhiều lợi thế trong giao dịch cổ phiếu nhưng đối với nhà đầu tư ... |
Rủi ro cổ phiếu VPB từ góc nhìn nhà đầu tư VPB là một trong những cổ phiếu từng có mức tăng trưởng quá nóng và “đeo đá” thêm vài vấn đề về sự chuyên chế ... |
Vì sao, lợi nhuận không cứu được giá cổ phiếu VPB? Cho vay tiền mặt đảo nợ chéo và vay tiền mặt lãi suất cao có thể khiến lợi nhuận của VPBank tăng trưởng mạnh, nhưng ... |