Vì sao, lợi nhuận không cứu được giá cổ phiếu VPB?
Đầu tư - Tài chính 29/10/2019 11:58
Một hoạt động giao dịch tại VPBank. Ảnh: Internet |
Hồi mới lên sàn, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) có giá hơn 37.000 – 38.000 đồng/cổ phiếu. Giới phân tích và nhà đầu tư đặt rất nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu này, bởi khi đó cổ phiếu của ngân hàng uy tín bậc nhất như Vietcombank cũng chỉ 20.000 đồng cổ phiếu. VPB ra mắt và ngay lập tức trở thành một trong những cổ phiếu nóng bậc nhất. Hầu hết các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam đều đặt cược vào cổ phiếu top 10 của họ.
Khi đó dù nợ xấu cao bậc nhất ngành nhưng với chiến lược bán lẻ, VPBank có các chỉ số như ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân) hay NIM ( chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) vượt trội, thậm chí gấp đôi so với mặt bằng chung ngành ngân hàng nên mức giá đó không quá khó hiểu.
Lợi thế cạnh tranh là một điểm sáng của VPB khi ngân hàng này đứng đầu thị trường cho vay tiêu dùng với 55% thị phần. VPB có tập khách Big Data lớn nhất, kênh phân phối phủ khắp và các mô hình quản trị rủi ro đã xây dựng kỳ công, các đối thủ có thể mất khá nhiều thời gian để bắt kịp FE Credit.
Thế nhưng, cổ phiếu VPB đã rơi về mức 22.000 đồng/cổ phiếu, giảm 70% sau 2 năm. Trong khi các cổ phiếu ngân hang cũ vẫn duy trì mức giá đó. Chưa kể 1 số cổ phiếu ngân hàng lớn bứt phá dù vướng quá nhiều thông tin ít vui về ban lãnh đạo và nợ xấu lớn như BIDV. Thậm chí VPB còn bằng 1/5 giá cổ phiếu VCB - cổ phiếu mà khi VPB mới lên sàn được giới đầu tư đem ra so sánh.
Trước khi lên sàn, trong năm 2016, VPBank có mức lãi sau thuế gần 3.900 tỷ đồng, dẫn đầu các nhà băng cổ phần và chỉ bằng khoảng 70% so với các ông lớn quốc doanh.
Tuy nhiên, nếu xét về khả năng tạo lợi nhuận thì họ lại dẫn đầu. Trong khi mặt bằng chung của các ngân hàng đã niêm yết chỉ đạt ROE khoảng 11-14%, riêng Vietcombank cao nhất là 14,7% thì của VPBank tới 25,7%.
Tương tự với ROA, ngoại trừ Ngân hàng Quân đội có tỷ suất trên 1%, các nhà băng khác, kể cả Vietcombank, VietinBank hay BIDV đều dưới 1%, thì tỷ suất của VPBank tới 1,7%.
Tuy nhiên, đi kèm với những con số tạo lợi nhuận "đẹp như tranh" này, VPBank cũng là ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu khá cao so với mặt bằng chung. Chưa kể, phân khúc khách hàng mà VPBank đang đối mặt cũng khá rủi ro, chủ yếu là tín chấp với bán lẻ và vẫn còn nhiều bóng dáng của các ông lớn "bất động sản" trong mảng bán buôn.
Cách đây vài ngày, VPBank đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019 với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.856 tỷ đồng, tăng tới 63% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, VPBank ghi nhận 7.199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 76% kế hoạch năm.
Kết thúc 9 tháng, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của ngân hàng đạt 14,7% so với cuối năm 2018. Tăng trưởng huy động đạt 19,9%. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt 26.333 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hoặc 23,9% nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường từ hợp tác bảo hiểm.
Theo VPBank, đóng góp lớn nhất vào tổng thu nhập hoạt động của toàn ngân hàng tiếp tục là nguồn thu nhập lãi thuần, đạt 22.428 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối tháng 9/2019, nợ xấu hợp nhất của VPBank đang ở mức 3,10%. Tỷ lệ này đã giảm từ 4,24% tại thời điểm một năm trước đó. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng VPBank riêng lẻ giảm xuống còn 2,45% cuối quý 3/2019. Nợ xấu của FE Credit cũng giảm từ 6,36% xuống 5,21% cuối quý 3/2019.
Hoạt động xử lý nợ từ VAMC tiếp tục được ngân hàng đẩy mạnh trong quý 3, đưa dư nợ trái phiếu VAMC giảm hơn 70% so với thời điểm cuối năm 2018, từ hơn 3.100 tỷ xuống còn dưới 908 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh và nợ xấu liên tục cải thiện qua các quý, nhưng cố phiếu VPB không bứt phá mạnh. Điều này cũng phản ánh một phần độ hấp dẫn của cổ phiếu VPB dưới con mắt của giới đầu tư.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, trong 1-2 năm tới, mảng bán lẻ VPBank vẫn sẽ tốt vì họ còn đang đi đầu. Nhưng tạm thời đó là trong ngắn hạn, còn lâu dài thì có vẻ khó. Hiện nay, VPB đang có nhiều đối thủ cạnh tranh như MB Shinshei, OCB, SHB, LPB. Dù vị thế ngân hàng sẽ khó mất đi ngay, song khả năng rất cao tỷ suất lợi nhuận của VPB sẽ bị ảnh hưởng nếu các đối thủ khởi chiến bằng lãi suất rẻ.
Với những nhà đầu tư cá nhân, lĩnh vực cho vay tiêu dùng nóng hay còn gọi là cho vay tiêu dùng dưới chuẩn còn mới mẻ và có bài học kinh nghiệm.
Còn trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư còn nhiều lựa chọn tốt hơn VPB. Cơ cấu kinh doanh của VPB chủ yếu phụ thuộc vào công ty cho vay tiêu dùng FE Credit (khoảng xấp xỉ 50% tổng thu nhập lãi thuần). Trong mảng FE Credit, có 4 nhóm sản phẩm chính là cho vay tiền mặt, cho vay tiền mặt đảo nợ chéo, cho vay mua xe máy và cho vay mua hàng điện tử gia dụng.
Lúc đầu, nhà đầu tư cho rằng, FE Credit kiếm tiền từ việc cho vay mua điện thoại điện máy, song đây là mảng họ chấp nhận thua lỗ với các chương trình 0% nhằm thu hút được lượng khách lớn.
Nhưng thực tế gần như 3/4 lợi nhuận của FE lại đến từ 2 nhóm sản phẩm cho vay tiền mặt chính là cho vay tiền mặt và vay tiền mặt đảo nợ chéo. Điều này dẫn đến mức lãi suất cho vay trung bình của FE lên đến hơn 40%, và chủ yếu là các khoản cho vay tín chấp nhằm đảo nợ.
Cũng liên quan đến cho vay lãi suất cao liên quan đến những phàn nàn của khách hàng về lãi suất giống tín dụng đen và thái độ không tốt của đội ngũ đòi nợ. Do đó, nhìn một cách tổng quan, bản thân khách hàng cũng không có cái nhìn thiện cảm chung về VPBank. Điều này có vẻ như đang lan tỏa lên tâm lý nhà đầu tư.
VPBank cũng giống như các ngân hàng trong hệ thống là khá thành công trong việc tăng tốc giảm tỷ lệ nợ xấu trong năm 2019. Tuy nhiên, tổng số dư nợ xấu nhóm 2, nhóm 5 của VPB chiếm hơn 70% vốn chủ sở hữu những năm trước. Báo cáo tài chính năm 2019 của ngân hàng có giảm đi nhưng vẫn ở mức khá cao. Thứ nữa, số dư phần trái phiếu doanh nghiệp rủi ro chiếm trên 1/3 vốn chủ sở hữu.