Cổ phiếu VPB và những giao dịch lạ
Đầu tư - Tài chính 05/11/2019 14:52
Một hoạt động giao dịch tại VPBank. Ảnh minh họa |
Cổ phiếu VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank khi lên sàn cách đây hai năm được xem như cổ phiếu vua. Nhưng đến nay giá cổ phiếu này chỉ được xếp vào hạng 3 dù quy mô vốn và lợi nhuận vào hàng đầu các ngân hàng thương mại cổ phần và hàng thứ hai trong hệ thống. Sự minh bạch trong các giao dịch cổ phiếu là một trong những lý do nhà đầu tư nhắc đến khi hạ thấp mức đánh giá của VPB.
Từ năm 2018-2019, ban lãnh đạo VPBank cùng cổ đông lớn thường có những giao dịch cổ phiếu sang tay.
Ghi nhận cho thấy, hồi tháng 8/2019, bà Hoàng Anh Minh, vợ Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng, đã bán 4 triệu cổ phiếu VPBank cho con gái Ngô Minh Phương. Giao dịch diễn ra theo phương thức thỏa thuận. Trước khi thực hiện giao dịch, bà Phương chưa hề nắm trong tay cổ phiếu nào của VPBank.
Theo giá cổ phiếu ngày 8/8/2019, tổng số 4 triệu cổ phần VPBank bà Phương mua từ mẹ có giá trị thị trường khoảng 75 tỷ đồng. Sau giao dịch bán cổ phần cho con, bà Hoàng Anh Minh nhường lại vị trí cổ đông lớn nhất ở VPBank cho chồng.
Trước đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thực hiện chuyển quyền sở hữu 16,5 triệu cổ phiếu VPB vào ngày 3/4/2019 giữa các quỹ ngoại.
Bên chuyển nhượng toàn bộ lượng cổ phần trên là JPMorgan Vietnam Opportunities Fund. Trong khi bên chuyển nhượng gồm WF Asian Smaller Companies Fund Limited (nhận 11,25 triệu cổ phiếu) và Arjuna Fund Pte. Ltd (5,25 triệu cổ phiếu).
Giao dịch trên VSD không giới hạn về biên độ. Tuy nhiên, nếu tạm tính theo giá đóng cửa của VPB ngày 3/4 là 19.950 đồng/cp thì giá trị của thương vụ này vào khoảng 330 tỷ đồng.
Đáng chú ý hơn, tháng 2/2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu VPB.
Theo đó, 4 cá nhân là Đỗ Thị Mai, Bùi Bích Hạnh, Trần Thị Hương và Đặng Thị Thanh Tâm đã nhận chuyển nhượng tổng cộng gần 100 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 6,37% vốn, từ 2 cổ đông là Công ty Đầu tư Quang Đăng và Công ty Đầu tư Lưu Khuyên.
Với thị giá cổ phiếu VPB tại phiên giao dịch gần nhất gần 65.000 đồng, ước tính giá trị số cổ phiếu vừa chuyển nhượng là gần 6.500 tỷ đồng. Trong đó, bà Đỗ Thị Mai là người nhận chuyển nhượng số cổ phần lớn nhất với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.
Cả hai doanh nghiệp nói trên cùng được thành lập cuối tháng 7/2017, thời điểm cổ phiếu VPBank chuẩn bị lên sàn niêm yết, trụ sở đặt ở hai phòng cạnh nhau tại cùng tầng 8 một tòa nhà trên đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội. Đến đầu năm 2018, Công ty Đầu tư Quang Đăng và Công ty Đầu tư Lưu Khuyên cùng công bố thông tin về việc giải thể và dừng hoạt động kinh doanh. Lý do được hai công ty này đưa ra là gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Bên nhận chuyển nhượng cổ phần cũng là người đại diện theo pháp luật của hai doanh nghiệp này trước khi giải thể. Trong đó, bà Đỗ Thị Mai là người đại diện theo pháp luật của Công ty Đầu tư Quang Đăng và bà Trần Thị Hương là người đại diện theo pháp luật của Công ty Đầu tư Lưu Khuyên.
Với giao dịch trên, giới đầu tư cho rằng không ngoại trừ khả năng 2 công ty trên chỉ là công ty ảo được lập ra để thực hiện giao dịch cổ phiếu VPB với mục đích riêng của ban lãnh đạo.
Theo bản cáo bạch trước khi niêm yết, ở thời điểm cổ phiếu VPBank lên sàn chứng khoán, nhà băng này không có cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ.
Trong tháng 11/2018, cổ đông ngoại ngân hàng VPB cũng có nhiều giao dịch sang tay. Với thị giá cổ phiếu VPB tại ngày hiệu lực chuyển quyền (21/11/2018) ở mức 21.800 đồng, Al Mehwar Commercial Investments L.L.C có thể đã chi ra hơn 14 tỷ đồng cho thương vụ này.
Tính cả giao dịch trên, chỉ trong hơn 1 tuần đó, các quỹ ngoại đã “sang tay” hơn 7,5 triệu cổ phiếu VPB. Cụ thể, ngày 15/11, Ashoka Pte. Ltd. đã chuyển nhượng hơn 5,66 triệu cổ phiếu VPB sang cho Arjuna Fund Pte. Ltd. Giá trị giao dịch ước tính lên đến hơn 112 tỷ đồng, tương ứng với 19.850 đồng/cổ phiếu – mức giá tham chiếu tại ngày hiệu lực chuyển quyền.
Trước đó, Arjuna Fund Pte. Ltd cũng đã nhận chuyển nhượng hơn 1,22 triệu cổ phiếu VPB từ Optis Global Opportunities Fund Ltd trong ngày 13/11 với trị giá giao dịch vào khoảng 27 tỷ đồng, tương đương 21.850 đồng/cổ phiếu – mức giá trần tại ngày hiệu lực chuyển quyền.
Đáng chú ý, thời điểm các quỹ ngoại tích cực “sang tay”, cổ phiếu VPB đang giao dịch loanh quanh vùng đáy. Cụ thể, sau khi trượt dài về đáy 19.000 đồng/cổ phiếu ngày 15/11 (thấp nhất kể từ khi lên sàn tháng 8/2017), cổ phiếu VPB phục hồi nhẹ nhờ tác động từ thông tin gia đình Chủ tịch Ngô Chí Dũng muốn mua vào 21 triệu cổ phiếu.
VPBank có thể nói là mô hình ngân hàng gia đình hoặc nhóm gia đình. Cá nhân ông Dũng sở hữu hơn 4% vốn cổ phần của ngân hàng. Vợ ông, bà Hoàng Anh Minh hiện sở hữu hơn 125 triệu cổ phiếu VPB, trong khi mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên đang sở hữu hơn 120 triệu cổ phiếu. Tính chung, các cá nhân trên thuộc gia đình Chủ tịch VPBank sở hữu khoảng 15% vốn tại VPBank.
Cộng sự của ông Dũng, Phó Chủ tịch VPBank Bùi Hải Quân (sinh năm 1968, Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân Kiev – Ukraina) cùng vợ là bà Kim Ngọc Cẩm Ly cũng đang là những cổ đông lớn tại ngân hàng với hơn 165 triệu cổ phiếu.
Đồng cấp với ông Quân, Phó Chủ tịch Lô Bằng Giang và là Chủ tịch FE Credit cùng người thân cũng đang là những người nắm giữ một lượng lớn cổ phần chi phối tại VPBank. Trong đó, ông Lô Bằng Giang (sinh năm 1972, Thạc sỹ Kinh tế - Đại học Tổng hợp Hàng không Quốc gia Kiev - Ukraina) dù chỉ sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu, nhưng mẹ (bà Lý Thu Hà) và vợ ông (bà Nguyễn Thu Thủy), cùng chị gái (bà Lô Hải Yến Ngọc) đều đang sở hữu một lượng cổ phiếu đến hơn 111 triệu cổ phiếu. Tính chung, gia đình ông Lô Bằng Giang đang sở hữu hơn 114 triệu cổ phiếu VPB.
(Còn tiếp)