5 cách đơn giản làm chậm thoái hóa khớp
Sức khỏe 17/03/2023 09:58
Áp dụng liệu pháp tạm thời
Chườm và xoa bóp là biện pháp giảm đau nhức xương khớp tạm thời giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Chườm lạnh phù hợp với giai đoạn đầu, đặc biệt là khớp bị sưng. Khi tình trạng sưng giảm, bạn có thể chuyển sang chườm nóng. Hãy dùng túi chườm, chai nước đá, khăn để chườm lên vùng khớp bị đau trong khoảng 20 phút. Lưu ý về nhiệt độ để tránh bị bỏng và không chườm lên vết thương hở.
Ngoài ra, bạn có thể xoa bóp để giãn cơ, làm dịu cơn đau, kích thích lưu thông máu. Bạn nên massage với lực vừa phải vùng bị đau trong 15 phút. Để bảo đảm an toàn bạn có thể nhờ tới sự trợ giúp của chuyên gia massage trị liệu.
Kiểm soát cân nặng
Theo Thầy thuốc ưu tú, ThS, BS Nguyễn Thị Hằng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc thoái hóa khớp cao hơn 60% người bình thường. Trọng lượng cơ thể càng lớn áp lực lên hệ cơ xương khớp càng cao. Khi cơ thể tăng 1kg, khớp gối sẽ phải chịu tải thêm 3kg sức nặng. Lượng mỡ dư thừa cũng kích thích sản xuất cytokine gây viêm, phá hủy mô và suy giảm chức năng của tế bào sụn.
Do đó, đối với người thoái hóa khớp bị thừa cân, béo phì, giảm cân là phương pháp tiên quyết giúp giảm đau. Ngoài ra, duy trì trọng lượng ở mức cho phép còn hỗ trợ phòng ngừa một số bệnh lí có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa như tiểu đường, huyết áp cao,…
Tập thể dục đều đặn
Khoa học đã chứng minh tập thể dục đều đặn sẽ cải thiện tính linh hoạt của xương khớp, tăng sức bền của cơ quanh khớp, thúc đẩy lưu thông máu, ngăn ngừa thoái hóa khớp. Tập luyện đồng thời cũng cải thiện sức khỏe, giảm cân, nâng cao đời sống tinh thần cho người bệnh.
Vận động cường độ thấp như tập thể dục, đạp xe, đi bộ, bơi, yoga… phù hợp với người bị thoái hóa khớp. Nguyên tắc cần nhớ là phải khởi động kĩ trước khi tập, tập luyện 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần, có thể tập thưa hơn khi thấy đau nhiều hay sưng khớp. Để bảo đảm đúng kĩ thuật, bạn nên tập luyện dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên.
Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học
Dinh dưỡng cân bằng sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị bệnh, thúc đẩy khả năng phục hồi của cơ thể. Theo ThS, BS. Nguyễn Thị Hằng, người thoái hóa khớp nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chống viêm, tái tạo sụn khớp như cá béo, trái cây họ cam quýt, rau họ cải, đậu bắp, sữa, tỏi, gừng, nghệ… Song song với đó, cần hạn chế thực phẩm gây tăng viêm, suy yếu mô xương khớp như: nội tạng động vật, thức ăn nhiều muối, đường, đồ uống có cồn…
Sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên
Để chủ động để kìm hãm thoái hóa khớp, nhiều người sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên dành cho xương khớp. Sản phẩm dạng này khá lành tính, thích hợp dùng lâu dài. Điều quan trọng là cần lựa chọn sản phẩm của thương hiệu uy tín, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, rèn luyện khoa học, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chất lượng là giải pháp an toàn giúp xua tan nỗi lo thoái hóa khớp.