Xung đột Nga - Ukraine tác động đến tương lai quan hệ quốc tế
Quốc tế 02/11/2022 10:22
Dịch chuyển dòng chảy năng lượng thế giới
Xung đột ở Ukraine thúc đẩy quá trình phi toàn cầu hóa theo một vài cách thức. Đầu tiên, cú sốc với hàng hóa và nguồn cung mà cuộc xung đột này gây ra sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách có xu hướng khuyến khích duy trì sự dư thừa trong chuỗi cung ứng cũng như khu vực hóa và tích trữ.
Thứ hai, quy mô và mức độ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga khiến các quốc gia khác lo ngại rằng họ hoặc đối tác thương mại chủ chốt của họ có thể là mục tiêu tiếp theo. Thứ ba, sự cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ ngày càng gia tăng. Cuối cùng, bản thân các công ty chịu ảnh hưởng của những rủi ro nhập khẩu và các cú sốc về giá cả nên cũng có xu hướng sản xuất dư thừa và tích trữ.
Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, vai trò của Mỹ trong việc đáp ứng nhu cầu khí đốt của châu Âu đã tăng đáng kể và trở thành đối tác chiến lược của châu Âu trong lĩnh vực này. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng được củng cố. Trung Quốc đã tăng cường mua dầu thô được giảm giá từ Nga khi tăng khoảng 300.000 thùng/ngày và sự hợp tác này có thể sẽ mở rộng giữa bối cảnh Nga giảm nguồn cung sang châu Âu.
Ảnh minh hoạ |
Một mối quan hệ về năng lượng đáng chú ý nữa là mối quan hệ giữa Trung Đông và châu Á. Châu Á đang xây các nhà máy lọc dầu và các nước Trung Đông đang tìm cách cung cấp dầu thô cho thị trường này.
Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường mua dầu thô giá rẻ từ Nga với việc tăng từ 30.000 thùng/ngày trước xung đột lên 800.000 thùng/ngày ở thời điểm hiện tại. New Delhi cũng sẽ tăng cường các hợp đồng về năng lượng với Trung Đông. Trong khi đó, các nhà cung cấp Tây Phi sẽ hướng đến thị trường châu Âu để thay thế nguồn cung từ Nga. Các nhà cung cấp Đông Phi sẽ hướng nhiều hơn đến thị trường châu Á.
Tác động đến an ninh lương thực
Đại dịch và cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá lương thực tăng vọt vào tháng 3 khi các cuộc giao tranh giữa Moscow và Kiev làm gián đoạn việc vận chuyển ngũ cốc từ Biển Đen ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, với việc giá hàng hóa giảm sau khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngũ cốc qua sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều nhà kinh tế học dự đoán lạm phát lương thực đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, xung đột luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường và sau khi cáo buộc Ukraine tiến hành tấn công UAV quy mô lớn nhằm vào các tàu của Hạm đội Biển Đen và tàu dân sự bảo đảm an ninh cho hành lang ngũ cốc, Nga đã thông báo dừng tuân thủ việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc trên.
Mặc dù không phải lúc nào cũng có mối liên hệ trực tiếp nhưng lạm phát lương thực và đói nghèo thường gây gia tăng tình trạng bất ổn xã hội. Theo dữ liệu từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, tổng số các cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn trên toàn cầu dường như giảm trong năm 2022 nhưng tần suất của các cuộc biểu tình liên quan đến nông nghiệp và lương thực lại tăng đáng kể.
Nhìn chung, cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy phi toàn cầu hóa trong lĩnh vực năng lượng không còn là nhân tố duy nhất chi phối đến các dòng chảy năng lượng. Thay vào đó, địa chính trị đóng vai trò ngày càng tăng trong sự hợp tác giữa các quốc gia về năng lượng. Cuộc khủng hoảng này cũng tác động dài hạn đến thị trường lương thực toàn cầu.
Đối với mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, xung đột ở Ukraine khiến mối quan hệ này ngày càng bấp bênh. Rủi ro của việc phản ứng thái quá trước một cuộc khủng hoảng hoặc một sự cố dẫn đến leo thang đã gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, những thách thức này cũng là cơ hội để các bên đánh giá về hành động của mình và đối phương để làm mọi cách ngăn xung đột Nga và NATO nổ ra