Xuất khẩu hàng giá trị cao từ phụ phẩm
Kinh tế 17/11/2022 07:57
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, bình quân hằng năm Việt Nam thu được trên 16 triệu mét khối củi trong quá trình khai thác gỗ, bao gồm cành, ngọn, nhánh cây... Cũng trong thời gian này, hằng năm Việt Nam sử dụng bình quân khoảng trên 21 triệu mét khối gỗ lớn để sản xuất gỗ xẻ, ván dán, ván bóc, ván ghép thanh và các sản phẩm đồ gỗ. Trong quá trình sản xuất các sản phẩm này, 40% lượng gỗ đã trở thành phụ phẩm, như: Mùn cưa, dăm bào, mảnh gỗ thừa, tương đương khoảng 8,6 triệu mét khối.
Các phụ phẩm như mùn cưa, dăm bào, cành ngọn gỗ là nguyên liệu chính để sản xuất viên nén. Hiện cả nước có khoảng 80 DN tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ. Theo thống kê của Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, sản lượng viên nén gỗ được sản xuất đã tăng từ 1,4 triệu tấn vào năm 2016 lên 3,2 triệu tấn vào năm 2020.
Viên nén gỗ sản xuất chủ yếu dùng để xuất khẩu, trong đó 90% xuất sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu viên nén gỗ trong 10 tháng năm 2022 đạt 568 triệu USD, tăng 83% so với cùng kì năm 2021 và gấp 4,3 lần kim ngạch xuất khẩu viên nén của năm 2016. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu viên nén gỗ, chỉ sau Hoa Kỳ.
Sản phẩm thủ công mĩ nghệ làm từ bẹ chuối của HTX Thanh Bình. |
Trước đây Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long phải tốn khá nhiều chi phí và công sức cho việc xử lí, tiêu hủy các loại phụ phẩm như mùn cưa, dăm bào. Nhưng kể từ khi ngành sản xuất viên nén phát triển, công ty không những không tốn chi phí xử lí mà các phụ phẩm này còn mang về nguồn thu cho công ty.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, dư địa sản xuất và xuất khẩu viên nén hiện còn rất lớn do hiện tại mới chỉ có khoảng 15% lượng phụ phẩm (củi, mùn cưa, vỏ bào, gỗ thừa) được sử dụng để sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu. Ngoài ra, những năm gần đây, nhiều DN cũng đã sản xuất thành công viên nén từ vỏ trấu. Trong khi đó, tại 2 thị trường lớn của viên nén gỗ Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, nhu cầu đang tiếp tục tăng cao do 2 quốc gia này đang chuyển đổi từ điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, khoảng 250% trong thập kỉ tới, đạt con số 36 triệu tấn từ con số 14 triệu tấn năm 2017, với nhu cầu mở rộng chủ yếu tại các nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh sự tăng trưởng “thần tốc” của xuất khẩu viên nén, nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp khác cũng đang được các DN chế biến, xuất khẩu với kết quả khả quan. Điển hình như HTX Liên kết và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình, ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã thành công trong việc mở rộng chuỗi giá trị của cây chuối từ việc tận dụng hiệu quả các phụ phẩm. Cụ thể, từ đầu năm 2021, bẹ chuối sấy khô của HTX bắt đầu được xuất khẩu đi châu Âu. Hiện tại, các khách hàng châu Âu này lại chuyển số nguyên liệu bẹ chuối sấy của HTX cho các cơ sở tại Việt Nam để gia công hàng thủ công mĩ nghệ xuất đi châu Âu.
Từ cây chuối bỏ đi chuyển thành bẹ chuối sấy khô của HTX Thanh Bình thì giá trị mang về chưa cao. Nhưng sau khi được sản xuất, gia công thành những mặt hàng thủ công mĩ nghệ, giá trị tăng lên rất nhiều. Do đó, HTX Thanh Bình đang ấp ủ dự định sẽ phát triển lực lượng lao động làm hàng thủ công mĩ nghệ từ bẹ chuối sấy khô ngay tại HTX để tăng thu nhập cho các xã viên.
Hiện tại, ngoài bẹ chuối sấy khô, HTX đã đầu tư máy móc để sản xuất xơ, sợi chuối. Đây là nguyên liệu được dùng để làm ra những mặt hàng thủ công mĩ nghệ thân thiện với môi trường như dép, túi xách, dây trang trí... Hiện mặt hàng này đã được xuất khẩu đi châu Âu và sắp tới sẽ mở rộng sang thị trường Trung Đông, Đông Nam Á... Những bẹ chuối to, đẹp được đưa đi sấy khô, còn lại những bẹ nhỏ, xấu hơn thì sẽ dùng máy để sản xuất thành xơ, sợi.
Nhiều DN khác cũng đang xuất khẩu lá chuối cấp đông sang nhiều thị trường như Mỹ, Hàn Quốc. Công ty Xuất nhập khẩu Tân Gia Thành đang chuẩn bị xuất khẩu 2 container lá chuối để phục vụ cộng đồng người Việt tại Mỹ, Hàn Quốc, theo đó, nhu cầu lá chuối thường tăng mạnh.
Còn Công ty Trúc Lâm Phát trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 20 - 30 tấn lá chuối cấp đông với giá trị giao động từ 650 triệu đến khoảng 900 triệu đồng. Càng gần Tết, nhu cầu lá chuối tại các thị trường này càng tăng để phục vụ cộng đồng người Việt tại các nước này chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, tại Công ty Phúc Sinh, vỏ cà phê đã được tận dụng để sản xuất ra trà cascara có giá trị rất cao. Được biết, trà cascara của Phúc Sinh được làm từ vỏ cà phê arabica chín đỏ, thuộc dòng cà phê đặc sản trồng tại Sơn La. Hiện sản phẩm này đang được xuất khẩu sang Ý và Trung Đông với giá 99 USD/kg.