Dạo quanh cồn Quy
Văn hóa - Thể thao 24/10/2019 08:22
Mỗi cồn gắn với vô số di tích hay các giai thoại qua các thời kì, chẳng hạn cồn Phụng nổi tiếng với di tích “ông Đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam; cồn Quy có chuyện ông Phạm Cao Thăng từ đất liền ra khai khẩn, trồng bần giữ đất...
Cồn Quy (có tên khác là cồn Biện Quy) rộng chừng hơn 100ha, nằm giữa sông Tiền, thuộc địa phận hai xã Tân Thạch và Quới Sơn, huyện Châu Thành, cách trung tâm TP Bến Tre khoảng hơn 20km đường sông. Khởi thủy, đây chỉ là doi đất nổi hoang vu trên sông, cỏ cây rậm rạp, được phù sa sông bồi đắp mà lớn dần. Khoảng những năm 1950-1960 mới lác đác có người tìm ra khai khẩn, lập nghiệp. Chứng tích còn lưu lại phía đầu cồn (hướng thượng lưu) là miếu Bà Chúa Xứ do tiền nhân khai hoang lập đất dựng nên. Thời kì đầu, cồn rộng chừng 60ha, sau nhờ dân trồng bần giữ đất và được bồi đắp phù sa nên có được diện tích như ngày nay... Cồn Quy là một vùng xanh rợp, trù phú, mang vẻ xinh xắn với những ngôi nhà “chìm” giữa đám cây cối, con đường nhỏ như một vành đai êm đềm “ôm” lấy phần đất vốn do phù sa bồi đắp mà thành.
Khoảnh đất của gia đình nào ở đây cũng có một con kênh nhỏ chảy xuyên qua, vừa như mương dẫn nước tưới tiêu, vừa tiện để đặt tấm lưới sơ sịa khoanh lại thả cá, nuôi vịt, đôi khi lại là ranh giới tự nhiên giữa hai nhà... Đất đai ở đây sẵn, lại phì nhiêu, thêm kênh luôn lưu thông nước khiến vườn nhà ai cái gì cũng sẵn: Này gà “chạy bộ”, này cá tai tượng, rau xanh, rau gia vị, trái cây... Đa số phụ nữ ở xứ cồn này đều có gương mặt bầu và hiền, đúng kiểu con gái miệt vườn, cứ tủm tỉm trước những tiếng ồ à thán phục của khách, vừa lo làm cơm, vừa canh chừng đứa nhỏ còn đang e dè trước khách lạ nên cứ núp chúi một góc nhìn ra.
Bữa cơm dọn ra ngay trên nền gạch hoa đầu hè, toàn đặc sản vườn nhà: Gà luộc, cá chiên xù nguyên con, bánh tráng, rau hái ngoài vườn và bát mắm cá đặc biệt có ớt, pha chế cầu kì... Câu chuyện rủ rỉ những hồi ức và giai thoại quanh chuyện cồn Quy, chuyện cư dân, chuyện đời ông sơ ông cố... và cả chuyện mưu sinh thường nhật. Nguồn thu của gia đình ở đây chủ yếu là từ làm vườn, bán trái cây, nuôi cá... Quanh quẩn với thửa đất xuyên suốt từ đầu này qua đầu kia của cồn cũng hết một ngày, nào bơm nước tưới, nào cắt tỉa cây cành, nào chăm trái... Khi nào có khách thì ra bến tàu 30/4 đón khách, chở đi theo tour.
Trăng lên thì câu chuyện cũng vừa tàn, đêm yên tĩnh phủ một màu đen thẫm suốt cả vùng. Mặt sông lồng lộng, gió thổi đám dừa nước lào xào, hòa theo tiếng cười đùa của đám thanh niên, tiếng đàn vọng cổ văng vẳng phía xa xa. Càng về đêm, gió cồn Quy chốc chốc lại kéo từng cơn, khiến người thị thành thêm khát thèm cái hồn nhiên sông nước mà nhất định không chịu về ngủ...
Thức giấc ở cồn Quy là một trải nghiệm đầy ắp những thứ tín hiệu cùng ùa vào tôi một lúc: Nào tiếng gà gáy, tiếng ngan vịt ngoài vườn lẹp kẹp đòi ăn, tiếng chim hót và cả tiếng trẻ thơ líu lo, rồi đến ánh nắng rất trong xiên ngang đám khói bếp do bà chủ nhà hiếu khách dậy sớm lo đồ ăn sáng...
Ba dãy đất cù lao Bến Tre thuộc vùng sinh thái nước lợ, là điều kiện tuyệt vời về thổ nhưỡng cho họ nhà dừa sinh trưởng và phát triển. Bến Tre hiện nay có hơn 70.0000ha đất trồng dừa, chiếm diện tích dừa lớn nhất so với các tỉnh khác trong nước.
Nông dân trồng dừa chủ yếu lấy trái, ngoài ra, thân dừa dùng để làm nhà như cột, kèo, đòn tay; làm trụ sào đáy, làm hầm chống bom đạn trong chiến tranh hay bắc làm cầu qua mương, rạch. Sau đó, gỗ dừa được dùng làm hàng thủ công mĩ nghệ để trang trí nội thất hay làm quà biếu tặng.
Tỉnh Bến Tre có hơn 20 cơ sở sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ từ cây dừa với hơn 200 loại sản phẩm thủ công mĩ nghệ dừa làm mê hoặc khách hàng. Từ các hàng gia dụng như tô, chén, dĩa, dao, lược, bộ tách, khay, ấm trà… làm từ thân dừa; nghệ nhân còn sử dụng gáo dừa, chà dừa làm chụp đèn trang trí nội thất quán ăn, nhà hàng, khách sạn.... Trái dừa khô được tạo dáng nhiều loài thú. Cả cọng lá dừa cũng được tận dụng làm giỏ cắm hoa, giỏ đựng trái cây…
Thú vị hơn, năm 2012, họa sĩ Lê Dân và nghệ nhân Võ Văn Bá đồng chế tác ra 27 loại nhạc cụ dân tộc từ gỗ dừa, được GS,TS Trần Văn Khê khen ngợi và được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam xác lập, vinh danh.
Hàng mĩ nghệ làm từ chất liệu dừa Bến Tre còn được đưa đi chào hàng trên các thị trường thế giới như Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Thụy Sĩ… hằng năm thu về cho địa phương nguồn ngoại tệ đáng kể.