Xuân Tường - 70 năm phát triển đi lên cùng đất nước
Xã hội 18/03/2024 15:09
Tuy không làm lễ kỷ niệm nhưng Xuân Tường có quyền tự hào rằng: Xuân Tường là mảnh đất cách mạng kiên trung - 70 năm đi theo cách mạng, một lòng, một dạ đi theo Đảng, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đổi mới đi lên cùng đất nước.
Trở về theo dòng lịch sử
Theo địa danh tổng, xã, huyện Thanh Chương trong cuốn "Thanh Chương xưa và nay", ghi: Sau Cách mạng tháng 8/1945, trên cơ sở 5 tổng cũ, toàn huyện Thanh Chương phân chia thành 12 xã. Trong đó Tổng Xuân Lâm gồm 2 xã là Minh Tiến và Mai Lâm. Các xã này tồn tại cho đến đầu năm 1954, theo chủ trương phân chia lại cấp xã của Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV thì huyện Thanh Chương trên cơ sở 12 xã cũ đã chia thành 41 xã mới. Theo đó xã Minh Tiến được chia thành 4 xã là: Thanh Dương, Thanh Lương, Thanh Yên và Thanh Khai. Đến ngày 24/3/1969, theo Quyết định số 159/QĐ – NV của Bộ Nội vụ, huyện Thanh Chương đã hình thành nên một số xã mới do hợp nhất một số xã cũ trong đó có xã Thanh Trường nhập với xã Thanh Dương thành xã Xuân Tường.
Trường Mầm non xã Xuân Tường đón Bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia. |
Lịch sử xã Xuân Tường ghi: Ngày 2/1/1946, các làng Xuân Tường, Thượng Thọ, Tràng Các hợp thành một xã gọi là xã Xuân Tràng. Từ năm 1947 - 1953 xã Xuân Tràng hợp với xã Xuân Sơn gọi là xã Mai Lâm. Năm 1953 xã Mai Lâm chia thành 3 xã là Thanh Lam, Thanh Nam và xã Thanh Trường. Từ năm 1969 đến năm 1971 xã Thanh Trường hợp với xã Thanh Dương gọi là xã Xuân Tường. Năm 1971 lại chia xã Xuân Tường thành 2 xã là Thanh Dương và Thanh Trường. Riêng xã Thanh Trường vẫn lấy tên cũ là xã Xuân Tường với ý nghĩa cách mạng năm 1930 - 1931, làng Xuân Tường là một trong 5 làng thành lập chính quyền Xô Viết đầu tiên của huyện Thanh Chương. Trải qua 70 năm từ năm 1954 đến nay, Xuân Tường đã trải qua nhiều lần sát nhập và chia tách. Lịch sử xã Xuân Tường là lịch sử 4 thôn cũ hợp lại nên cũng có nhiều cái chung và cái riêng. Cho dù 70 năm ngày thành lập xã Xuân Tường hay chưa phải 70 năm thì người dân Xuân Tường vẫn có quyền tự hào rằng Xuân Tường quê tôi là một vùng đất cách mạng kiên trung với những địa danh đã đi vào lịch sử như Làng Đồng Xuân - Trụ sở đầu tiên của Tỉnh ủy Nghệ An trong phong trào Cách mạng 1930 - 1931. Xuân Tường là nơi thành lập chính quyền Xô Viết đầu tiên ở Thanh Chương. Cây đa làng Trường Lĩnh nơi chứng kiến hai mẹ con người Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhân bị địch xử bắn, trước mũi súng quân thù vẫn hiên ngang bất khuất. Đình làng Thượng Thọ nơi ghi lại chứng tích của các chiến sỹ tự vệ đỏ năm xưa bị giặc Pháp đem ra hành hình, các anh đã Sống anh dũng, chết vẻ vang. Nhà thờ họ Lê Ban - Nơi in ấn truyền đơn, tài liệu của Đảng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc, Xuân Tường đã có hơn 2.000 người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có người phấn đấu lên đến Thiếu tướng, Đại tá lừng danh thời chống Mỹ, hơn 160 liệt sỹ, gần 150 thương, bệnh binh các loại, 18 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng; gần 1.500 cá nhân và gia đình được thưởng Huân , huy chương kháng chiến các loại.
Xã Xuân Tường đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới |
Phấn đấu xây dựng quê hương phát triển đi lên cùng thời đại
Từ một xã kinh tế xuất phát điểm thấp, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Xuân Tường đạt gần 12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Có nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Trồng bí hàng hóa, nuôi lợn hàng thịt, nuôi cá thời vụ… Nét nổi bật nhất của Xuân Tường là xác định xây dựng Nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng mà người dân là người thụ hưởng. Phong trào đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, mạnh mẽ, lan tỏa được các tầng lớp nhân dân đồng thuận hưởng ứng.
Từ một địa phương thuần nông, hạ tầng cơ sở, đường sá, cầu cống còn lạc hậu, Xuân Tường đã vươn lên mạnh mẽ. Các trục đường chính liên xã được rải nhựa, đường làng ngõ xóm bê tông hóa khang trang, đường thông, hè thoáng, điện chiếu sáng, camera an ninh gắn trên các điểm giao nhau trong cụm dân cư. Nghĩa trang liệt sỹ, Trụ sở UBND, Trường Mầm non, sân vận động … được xếp vào tốp to đẹp, khang trang nhất nhì cụm Xuân Lâm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/ năm. 4/4 xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn, khang trang. Phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa được toàn dân hưởng ứng tích cực. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 95%. Công tác giáo dục, khuyến học, khuyến tài đều được quan tâm. 4/4 xóm và nhiều dòng họ xây dựng và sử dụng quỹ khuyến học có hiệu quả. Chất lượng dạy và học ngày được nâng cao, hàng năm tỷ lệ học sinh đậu học sinh giỏi, đậu vào các trường đại học năm sau cao hơn năm trước. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân luôn được chăm lo, các chương trình quốc gia về y tế được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt trên 92%, được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2 về y tế. Công tác chính sách, đảm bảo An sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được quan tâm đặc biệt. An ninh trật tự, ATXH trên địa bàn được đảm bảo.
Năm 2023 Xuân Tường được Chủ tịch UBND huyện công nhận “Xã, Thị trấn sạch về ma túy”. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên được phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận, khối đoàn kết toàn dân ngày càng thắt chặt, cùng nhau đồng tâm hiệp lực tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng Xuân Tường ngày càng đổi mới đi lên cùng thời đại.
Xuân Tường – một thời và mãi mãi
Theo xu thế đi lên của thời đại, Xuân Tường sẽ sát nhập với xã Thanh Dương để thành xã mới. Sát nhập để phát triển, hòa nhập nhưng không hòa tan. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, quê hương anh hùng nhất định chúng ta sẽ xây dựng quê hương ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn xưa. Dự kiến sau khi sát nhập, xã Xuân Tường với xã Thanh Dương sẽ thành xã Xuân Dương (Xuân là Xuân Tường, Dương là Thanh Dương). Tuy nhiên theo nhiều ý kiến của các cụ cao tuổi ở xã Xuân Tường đều chưa đồng thuận với tên xã Xuân Dương, lý do: Xã Xuân Tường và xã Thanh Dương núi liền núi, sông liền sông, ruộng liền bờ, vườn liền cổng… như anh em một nhà. Theo sách “Tên làng, xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” thì: Ngày trước Xuân Tường và Xuân Dương thuộc xã Hoa Lâm của huyện Nam Đường. Xã Hoa Lâm có 9 thôn gồm: Ngọc Sơn, Nguyệt Bổng, Phong Nậm, Xuân Tường, Thượng Thọ, Xuân Dương, Tú Viên, Phúc Yên và Văn Giai. Từ xưa tới nay nhân dân nơi đây hay dùng từ Xuân Dương để nói về Thanh Dương, Xuân Tường để nói về Xuân Tường, vì vậy đặt tên Xuân Dương các cụ chưa đồng thuận lắm.
Theo lộ trình chỉ còn khoảng 6 tháng nữa, cái tên xã Xuân Tường chỉ còn lại trong ký ức. Chắc chắn mọi người con quê hương Xuân Tường nói chung sẽ có những lưu luyến, nhớ nhung, bùi ngùi, xúc động bởi hai tiếng quê hương, hai tiếng Xuân Tường luôn in đậm trong trong ký ức và tâm trí mọi người cho dù ở tại quê hay trên mọi miền tổ quốc bởi: Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người.
Sau sát nhập, tin rằng: Phát huy truyền thống Đất cách mạng – Đất anh hùng, với những nền tảng mà hai địa phương đã tạo dựng trong 70 năm qua, với lợi thế và kinh nghiệm xây dựng Nông thôn mới sẵn có, với truyền thống đoàn kết từ ngàn xưa để lại. Thời cơ mới, động lực mới, nhất định chúng ta sẽ xây dựng xã mới ngày càng ấm no, hạnh phúc, đổi mới đi lên với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.