Xử lí nghiêm hành vi hút thuốc lá nơi công cộng
Đời sống 19/08/2024 11:00
Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các Nghị định của Chính phủ và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành khác. Theo đó, các địa điểm cấm hút thuốc lá công cộng hoàn toàn gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng bị cấm thuốc lá hoàn toàn bao gồm: ô tô, tàu bay, tàu điện.
Tuy nhiên, hiện việc hút thuốc lá ở nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều người vẫn vô tư, tự nhiên hút thuốc ở nơi công cộng.
Ảnh minh họa |
Trong Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2017), Chính phủ đã tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Theo khoản 1, Điều 20 của Nghị định, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, gấp 10 lần mức phạt được quy định trước đây.
Theo nghiên cứu, việc “hút thuốc lá thụ động” rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hơn khói thuốc do người hút hít vào vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc. Khói thuốc lá là một trong các tác nhân gây nên nhiều bệnh như: Tim mạch, phổi, làm giảm các chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của cả nam và nữ. Thế nhưng, hầu như chưa có trường hợp bị xử phạt do hút thuốc lá nơi công cộng! Vì vậy, ở công viên, quán cà phê, quán ăn đường phố, khu vực vui chơi trẻ em…, người hút cứ hút, cứ vi phạm.
Theo thống kê của ngành Y tế, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá giúp tình trạng hút thuốc lá thụ động tại các địa điểm công cộng có giảm, tuy nhiên tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà vẫn ở mức cao, trên 60% và tại gia đình là gần 50%.
Trên thực tế, việc kiểm tra, giám sát và xử phạt còn rất nhiều khó khăn; đặc biệt sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh, kiểm tra còn nhiều hạn chế, chủ yếu do ngành Y tế thực hiện. Các cá nhân có hành vi hút thuốc nơi công cộng vẫn khó bị xử phạt vì thiếu bằng chứng và thiếu người giám sát tại chỗ, liên tục. Trong khi đó, thuốc lá được bày bán khắp nơi, khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong xác định và xử lí vi phạm.
Thật đáng buồn khi người hút thuốc “cố tình” lơ đi thái độ bực dọc của mọi người xung quanh, chỉ biết thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Để ngăn chặn hành vi này, cần có những biện pháp nhằm siết chặt tiến tới xử phạt nghiêm hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chấm dứt tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng.
Thiết nghĩ, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, các ngành chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, đồng thời sớm đưa luật vào cuộc sống, mạnh tay xử lí những cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng.