WHO: Cứ 6 người trưởng thành thì có 1 người vô sinh, hiếm muộn
Y tế 05/04/2023 16:04
Khoảng 17.5% số người trưởng thành trên thế giới không thể có con vào một thời điểm nào đó. Ảnh minh hoạ |
Theo Reuters, báo cáo đã phân tích các nghiên cứu được thực hiện từ năm 1990-2021. Kết quả cho thấy khoảng 17.5% người trưởng thành trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi việc không thể có con ít nhất một lần trong đời. Khoảng 17.8% người trưởng thành ở các nước có thu nhập cao từng bị vô sinh. Con số này ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là 16.5%.
WHO cũng thông tin, các ước tính mới cho thấy có sự khác biệt về tỷ lệ vô sinh giữa các khu vực và có thể so sánh được giữa tất cả các quốc gia và mức thu nhập.
Đồng thời, nghiên cứu cũng đánh giá chi phí liên quan đến điều trị vô sinh ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Chi phí y tế trực tiếp mà bệnh nhân tại những nước này phải trả cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thường cao hơn thu nhập trung bình hàng năm - một áp lực tài chính lớn.
WHO định nghĩa vô sinh là bệnh liên quan hệ sinh sản của nam hoặc nữ được xác định bởi việc không thể mang thai sau 12 tháng khi quan hệ tình dục thường xuyên không dùng biện pháp phòng tránh thai.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, báo cáo cho thấy thực trạng đáng báo động rằng vô sinh có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Báo cáo của WHO không đề cập nguyên nhân gây vô sinh, nhưng xác định đây là một thách thức đối với y tế toàn cầu.
Ông Tedros nêu rõ bệnh vô sinh ảnh hưởng tới hàng triệu người. Tuy nhiên, cho đến nay, căn bệnh vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, thiếu nguồn tài trợ cho các giải pháp, trong khi nhiều người không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc do hạn chế trong điều trị, chi phí cao và kỳ thị của xã hội.
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và đảm bảo vấn đề này không nằm ngoài các chính sách và nghiên cứu y tế. WHO kêu gọi các nước đưa điều trị vô sinh vào các chính sách, dịch vụ về sức khỏe sinh sản và nguồn tài trợ y tế.
Theo báo cáo của WHO, Việt Nam nằm trong số các quốc gia chưa có cơ chế tài chính cho các dịch vụ hỗ trợ sinh sản. Do đó, chi phí y tế mà bệnh nhân phải chi trả cho một đợt điều trị hiếm muộn tại Việt Nam cao hơn đáng kể so với thu nhập trung bình hàng năm của họ, chiếm khoảng 106.3%. Tỉ lệ này ở một số nước khác là: Zimbabwe 456.8%, Sudan 401.5%, Ecuador 243.9 %, Ấn Độ 166.4%,...
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30 (theo thống kê của WHO).
Chuẩn bị xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn NMO - Ngày 17/4 tới đây, TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Quang Tuấn ... |
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lạng Sơn bị đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng NMO - Ngày 4/4, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lạng Sơn đã họp Kỳ họp thứ 28 khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xem xét ... |
Giá vé tham quan khu phố cổ Hội An từ ngày 15/5 NMO - UBND TP. Hội An, Quảng Nam vừa ban hành phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn ... |