Việt Nam nằm trong top những quốc gia già hóa dân số nhanh nhất thế giới
Xã hội 19/06/2023 07:45
Già hóa dân số là gì?
Già hóa dân số là quá trình mà tỷ lệ người trưởng thành và người cao tuổi tăng lên trong cơ cấu dân số và tuổi thọ trung bình tăng lên trong khi tỷ suất sinh giảm đi. Thực tế cho thấy, xu hướng già hóa dân số đặt ra sức ép lên hệ thống cơ chế, chính sách dành cho người cao tuổi và ứng phó với xu hướng này, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội. Già hóa dân số là vấn đề mang tính toàn cầu và có tác động tới tất cả các quốc gia. Hiện tượng “già hóa dân số’ xuất hiện ở thế kỷ XX và còn tiếp tục tăng trưởng trong thế kỷ XXI.
Theo phân loại của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương (thuộc Liên Hợp quốc) thì khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% - 9,9% tổng dân số của một quốc gia thì được gọi là “già hóa dân số”. Còn ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 2, Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi là những người có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên. Vì vậy, ở nước ta, tình trạng già hóa dân số là khi số lượng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số quốc gia hoặc số người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% dân số của cả nước.
Tính đến ngày 15/11/2022, dân số thế giới là 8 tỷ người. Dự báo sẽ tăng lên 8,5 tỷ người vào năm 2030, 9 tỷ người (năm 2037), 9,7 tỷ người (năm 2050) và khoảng 10,4 tỷ người (năm 2080).
Năm 2012, thế giới có 850 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên (chiếm khoảng 11,5%), dự báo đạt 2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050 (tương đương 22%). Năm 2022, có khoảng 800 triệu người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên (chiếm khoảng 9,7%). Dự báo tới năm 2030 sẽ tăng lên 11,7% và năm 2050 là 16,4%. Trong đó, phụ nữ chiếm 55,7% số lượng người cao tuổi trên 65 tuổi.
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia “siêu già” trên thế giới với hơn 30% dân số trong độ tuổi từ 60 tuổi trở lên. Tầm nhìn đến năm 2050, thế giới có 64 quốc gia siêu già. Trung bình mỗi năm có 58 triệu người tròn 60 tuổi, mỗi giây có 2 người đến 60 tuổi.
Tỉ lệ người cao tuổi giữa các khu vực: châu Âu và Bắc Mỹ là 18,7%; Úc và New Zealand là 16,6%; Đông Á và Đông Nam Á là 12,7%; Châu Mỹ Latinh và Caribe là 9,1%; Trung Á và Nam Á là 6,4%; Bắc Phi và Tây Á là 5,5%; Châu Phi là 3% và Châu Đại Dương là 3,9%.
Năm 2022, tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 73 tuổi, có 33 quốc gia tuổi thọ trung bình trên 80. Dự báo đến năm 2045 -2050, tuổi thọ trung bình sẽ là 83 tuổi ở các nước phát triển, 74 tuổi ở các nước đang phát triển. Số người thọ trên 100 tuổi từ 316.000 người (vào năm 2011), dự báo sẽ tăng lên 3,2 triệu người (năm 2050).
Xu hướng người cao tuổi tham gia lực lượng lao động ngày càng phổ biến. Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tiếp tục làm việc ở Mỹ là 19%, ở Singapore là 33%, ở Nhật có 79% người từ 60 – 64 tuổi còn lao động.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nguồn ảnh: Internet. |
Quá trình “già hóa dân số” tại Việt Nam diễn ra như thế nào?
Năm 2011, Việt Nam không còn ở trong thời kỳ đỉnh cao “dân số vàng” mà chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. Năm 2021, cả nước có 12,8% dân số từ 60 tuổi trở lên, tương đương 12,56 triệu người cao tuổi. Dự kiến vào năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, thời gian già hóa dân số của Việt Nam diễn ra trong khoảng 25 năm, là một trong những nước già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Lý do đưa đến kết luận này là bởi mức sinh giảm nhanh, mức tử giảm, tuổi thọ tăng nhanh và sự di cư của người trẻ sang các quốc gia khác.
Khi tiến hành thống kê các nhóm dân số theo độ tuổi tại Việt Nam cho thấy, nước ta có số lượng dân số ở độ tuổi cận cao tuổi rất lớn, phần lớn nhóm dân số người cao tuổi sẽ tăng ở nhóm sơ lão (dưới 70 tuổi) và xu hướng này sẽ tiếp tục trong vòng 30 năm tới. Vì vậy, cần đầu tư vào người cao tuổi, đặc biệt là những nhóm cận cao tuổi và nhóm sơ lão.
Kết quả phân tích từ Điều tra biến động dân sô và kế hoạch hóa gia đình năm 2021 cho thấy, có hơn 35% người cao tuổi sống một mình, hay chỉ sống với người cao tuổi khác hoặc chỉ có người cao tuổi sống với trẻ em dưới 15 tuổi.
Trong đó, tỷ lệ người cao tuổi trong độ tuổi từ 60 – 69 đang chăm sóc cháu dưới 10 tuổi chiếm tới 37,6%, tương đương 5,8 giờ/ ngày. Số người cao tuổi phải chăm sóc cháu nhỏ tại nông thôn cũng chiếm 30,4%, cao hơn 6,2% so với khu vực thành thị.
Bên cạnh việc vẫn phải mưu sinh kiếm sống hay đảm nhận trách nhiệm chăm sóc cháu nhỏ thay cho con cái bận đi làm, người cao tuổi trên cả nước còn phải đối mặt với tình trạng bị bạo lực gia đình với nhiều hình thức ngược đãi như: đánh đập gây tổn thương về sức khỏe thể chất, thường xuyên xúc phạm, sỉ nhục làm tổn thương tinh thần của người cao tuổi. Nặng nề hơn là cố tình hay vô ý từ chối cung cấp thực phẩm, nước, chỗ ở, quần áo hoặc hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày và các nhu cầu thiết yếu khác. Ngoài ra, việc lạm dụng tài chính hoặc bạo hành tình dục cũng là những cú sốc gây tổn thương rất lớn đến cho người cao tuổi.
Kết quả nghiên cứu trong công trình “Khảo sát khả năng đáp ứng của chính sách BHYT với vấn đề già hóa” do Viện nghiên cứu Y – Xã hội học thực hiện cùng với Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế vào năm 2020 cho thấy, có tới 13,9% người cao tuổi bị ngược đãi dưới hình thức nói nặng lời; 2,2% bị từ chối nói chuyện, 0,6% bị đánh đập, đe dọa.
Rất nhiều người cao tuổi vẫn còn nhọc nhằn kiếm kế mưu sinh. Nguồn ảnh: Internet. |
Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019 cho thấy hiện tượng “nữ hóa dân số cao tuổi” ở Việt Nam, khi người nữ cao tuổi chiếm tỷ trọng cao trong dân số cao tuổi là 58,1% và tỷ lệ này ngày càng chênh lệch ở độ tuổi cao hơn. Song đáng lo ngại hơn là phụ nữ từ 44 tuổi trở lên có tỷ lệ trải nghiệm bạo hành tinh thần trong đời là cao nhất.
Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh; trên 80 tuổi có 6,8 bệnh. Chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm như: huyết áp, tiểu đường, xương khớp,... cần điều trị suốt đời. Các loại bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số ca tử vong và có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, đòi hỏi cần quan tâm, chăm sóc người cao tuổi từ khi còn sớm.
Hiện, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi nhưng tuy nhiên số người cao tuổi còn khỏe mạnh chỉ nằm trong khoảng độ tuổi 64.
Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy một số lý do mà người cao tuổi không nhận được chăm sóc, điều trị khi ốm đau, chấn thương như: người cao tuổi nhận thấy bệnh tình không nghiêm trọng, không cần phải đi khám và điều trị; không có ai đưa đi khám chữa bệnh; nghĩ rằng chưa đủ ốm để đi khám; phương tiện đi lại không sẵn có, không có tiền để chi trả chi phí khám chữa bệnh hoặc cơ sở y tế quá xa nơi ở,...
Theo “Khảo sát khả năng đáp ứng của chính sách BHYT với vấn đề già hóa” do Viên Nghiên cứu Y – Xã hội học thực hiện cho thấy có tới 27,1% người cao tuổi được khảo sát có biểu hiện trầm cảm.
Một số yếu tố cản trở người cao tuổi tiếp cận dịch vụ y tế có thể kể đến như vậy: thiếu nhận thức về tầm quan trọng của khám, chữa bệnh sớm (ngại đi khám, có thể mua thuốc ở tiệm dễ dàng), khoảng cách đi lại, giao thông (về chi phí, thời gian chưa thuận tiện, an toàn), phương pháp chữa trị chưa hiệu quả, thiếu dịch vụ phù hợp, cán bộ chưa cảm thông, điều kiện vật chất khó khăn ở các trung tâm y tế hoặc người cao tuổi bận các công việc khác như chăm sóc cháu, chăn nuôi, nhà cửa,... nên không thể đi khám, điều trị bệnh kịp thời.
Ngoài ra, chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp từ 8 đến 10 lần so với người trẻ. Trong khi lợi ích bảo hiểm của người cao tuổi giống như đối với các nhóm đối tượng khác. Bên cạnh đó, tỷ lệ người cao tuổi có thể tiếp cận internet cũng còn khá thấp, chưa thể kịp nhật cập nhật các chương trình hỗ trợ y tế mà một số đơn vị triển khai.
Như vậy, có thể thấy, người cao tuổi ở Việt Nam là nhóm dân số đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Chất lượng cuộc sống chưa được đảm bảo là nguyên nhân dẫn đến sự ảnh hưởng về sức khỏe thể chất và tinh thần của người cao tuổi. Từ đó, đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với vấn đề an sinh xã hội cũng như triển khai các chính sách để ứng phó với xu hướng già hóa dân số ở nước ta.
“Già hóa dân số - thực trạng và giải pháp” là chuyên mục do Tạp chí Người cao tuổi thực hiện. Các bài viết trong chuyên mục đều có sự tham gia cố vấn về chuyên môn của các chuyên gia có những công trình nghiên cứu khoa học về công tác dân số và an sinh xã hội tại Việt Nam, nhằm mang đến cái nhìn tổng quan về xu hướng già hóa dân số đang diễn ra, sự tác động đối với nền kinh tế cũng như thách thức an sinh xã hội; một số mục tiêu chiến lược phát triển dân số tầm nhìn đến năm 2030; các vấn đề quản lý phát triển xã hội trong lĩnh vực dân số,... để từng bước nâng cao chất lượng dân số nước ta. |