Việt Nam ghi nhận ca mắc cúm A (H9) đầu tiên, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
Y tế 06/04/2024 13:55
Ca mắc cúm A (H9) này là bệnh nhân nam (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ngày 10/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.HCM ngày 16/3, được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do virus.
Kết quả xét nghiệm bước đầu tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.HCM phát hiện bệnh nhân dương tính cúm A và có các đoạn gene tương đồng virus cúm A phân tuýp H9. Mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm khẳng định.
Ngày 1/4, Viện Pasteur TP.HCM phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A phân tuýp H9, hiện tại viện đang tiếp tục các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Ảnh minh hoạ |
Trước tình hình trên, để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương tổ chức chức điều tra nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, địa phương cũng cần tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc mới, sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những khu vực có nguy cơ cao.
Ngành Y tế sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch; và thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định.
Ngoài ra, đề nghị Viện Pasteur TP.HCM chỉ đạo tiếp tục điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đã ghi nhận, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới.
Tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm virus; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương xét nghiệm khẳng định các mẫu bệnh phẩm từ các ca nghi nhiễm trên người và xử lý ổ dịch theo quy định.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: 1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. 2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. 3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. 4. Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy; 5. Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ. 6. Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. |
Tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống CAND, 20 năm ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày ... |
Đề nghị kỷ luật cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và nhiều lãnh đạo khác Trong các ngày 2-3/4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 39. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư ... |
Truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho nhân viên y tế hiến đa tạng cứu người bệnh Chiều 4/4/2024, tại Bệnh viện E, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” ... |