Vị Phó bảng danh tiếng vùng Lục Đầu Giang
Văn hóa - Thể thao 09/03/2018 10:45
Quả nhiên, năm Nhâm Dần đời vua Thiệu Trị (1842) ông thi đỗ cử nhân. Hai năm sau ông dự thi Hội khoa Giáp Thìn (1844), đỗ Phó bảng, được bổ chức quan Hàn lâm viện hiệu thảo. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) ông được thăng chức Đồng tri phủ Ứng Hòa. Ông luôn để tâm giữ mình, lo chính sự, không vướng bận chuyện lo sản nghiệp cho con cháu. Ông là tấm gương, răn dạy: “Con cháu ta hãy cẩn thận giữ lấy thói nhà, ấy là điều ta mong mỏi”. Ít lâu sau, năm Tự Đức thứ 2 (1849) ông được thăng chức Đốc học Sơn Tây. Ông là người rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nơi nhậm chức, có nhiều học trò thành đạt. Hoàng giáp Lê Tử Cấn người quê Hạnh Thi, một học trò đánh giá về ông như sau: “Sĩ thứ Sơn Tây biết cách học là khởi đầu từ tiên sinh”. Bia đá “Kim bảng lưu phương quốc triều” thời Nguyễn ghi về ông cũng có chữ “tiên sinh” trân trọng: “Giáp Thìn khoa Phó bảng Vạn Ty Nguyễn Phẩm tiên sinh, đốc học” (ý nói nhiều vị đốc học khác trên văn bia không được ghi chữ “tiên sinh” như vậy).
Tuy nhiên, quan đốc học Nguyễn Phẩm làm quan mới được 4 năm, năm Quý Sửu (1853) ông cáo quan về quê dưỡng bệnh. Tổng đốc Ngụy Khắc Tuần cố giữ lại để sĩ thứ trấn Sơn Tây nhờ cậy nhưng không được. Ngài tổng đốc đánh giá: “Làm quan học chính được như tiên sinh chẳng có mấy người”. Về quê dưỡng bệnh gia cảnh liền lâm vào túng bấn. Khi đương chức một năm chỉ được nhận 40 quan tiền với 43 phương gạo đã phải sống tằn tiện lắm rồi. Nhưng ông luôn sống hòa đồng, giữ lễ với mọi người, không kể sang hèn. Mái nhà nghèo được bạn bè tìm đến đàm đạo thơ phú, chữ nghĩa và lấy tên “Thai đình chân suất hội” làm trụ sở hội họp. Nghe tin quan đốc học về quê, học trò trong vùng lũ lượt tìm đến xin theo học. Nhà chật không có chỗ ngồi, học trò tự góp tiền dựng lớp. Ông dạy học chỉ cầu học trò hiếu đễ, thành đạt chứ không đòi hỏi đóng góp nuôi thầy. Ông luôn quan niệm dạy chữ đi cùng dạy người. Dạy chữ tuy theo mực thước nhưng vẫn loại bỏ điều phù phiếm và truy đến ngọn nguồn kiến thức. Học trò ông sau này nhiều người đỗ đạt, tận trung với nước, tiêu biểu như danh nhân Nguyễn Cao, Tán lí quân vụ, một yếu nhân phong trào Cần Vương.
Sắc phong Phó bảng Nguyễn Phẩm
Năm Quý Mùi niên hiệu Tự Đức thứ 46 (1883) Phó bảng Nguyễn Phẩm đang mạnh khỏe bỗng đổ bệnh nặng. Tháng 6 có quốc tang, vua Tự Đức băng hà, Phó bảng sai con cháu chít khăn để tang, dẹp bỏ màn trướng có màu đỏ, tía, giữ lễ thờ vua. Ngày 12/8 năm ấy, Phó bảng Nguyễn Phẩm qua đời, thọ 80 tuổi. Trong bài văn tế, học trò Nguyễn Cao viết: Gặp thời buổi lắm gian nan, chính đạo dị đoan chưa rõ hơn thua sáng tối/ Bậc triết nhân nay héo rụng, ta rồi trông ngóng vào đâu.
Sau khi thầy dạy qua đời, học trò dựng ngôi nhà gỗ lim năm gian làm nhà thờ. Thời kháng chiến chông Pháp, ngôi nhà trở thành trụ sở hội họp của địa phương. Trong một đêm biểu diễn văn nghệ, quân Pháp từ Phả Lại nã đạn pháo làm sập nhà. Ngày nay con cháu chỉ giữ lại được bài vị nguyên vẹn và đôi câu đối chữ đã bị long bóc một phần ca ngợi người thầy lớn: Kinh sư nhân sư đẩu sơn thạc vọng/Tuấn vực thọ vực cương tỉnh phong ba. Tạm dịch: Thầy là sách, thầy là người danh tiếng lớn như sao Bắc Đẩu, như núi Thái Sơn/ Lên cõi người hiền, cõi vĩnh hằng thầy còn thúc đẩy học trò thành đạt.
Phó bảng Nguyễn Phẩm cả đời dành sức cho sự nghiệp giáo dục, cùng với thầy dạy là quan Quốc Tử Giám tư nghiệp Nguyễn Đăng Sở, đã làm vẻ vang quê hương Gia Bình, nơi có cửa sông Lục Đầu Giang hùng vĩ.
Phạm Thuận Thành