Vẹn nguyên tình cảm với các anh hùng, liệt sĩ
Đời sống 17/07/2024 10:41
Chỉ hơn tuần sau, danh sách các liệt sĩ đang yên nghỉ ở nghĩa trang huyện A Lưới mà tôi ghi được, được phát trên sóng Đài TNVN, buổi 18 giờ 45 phút. Chỉ 5 phút sau, điện thoại nhà tôi dồn dập vang lên. Nhiều người gọi điện hỏi tôi tin tức về các liệt sĩ là thân nhân của họ. Tuy nhiên chỉ có gia đình liệt sĩ Trần Đình Nguyên, quê ở xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà; hi sinh 1972, trùng khớp với địa chỉ tôi ghi được ở nghĩa trang liệt sĩ A Lưới.
Gia đình bà Tạ Thị Nhâm bên mộ phần liệt sĩ Lưu Xuân Pho trước phút đón rước hài cốt về quê (10/2007). |
Hai tuần sau, Ban biên tập chương trình “Thông tin về những người con hi sinh vì Tổ quốc” của Đài TNVN đã đọc thư cảm ơn của gia đình liệt sĩ Trần Đình Nguyên. Tôi được biết, sau khi nắm được thông tin trên, gia đình liệt sĩ Trần Đình Nguyên đã vào A Lưới đón rước người con thân yêu của mình trở về cố hương, sau 36 năm (1970 - 2006) lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 25/8/2007, tôi nhận được thư của ông Lê Văn Quang, 55 tuổi, ở thôn Đôn Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông Quang cho tôi biết, qua chương trình “Thông tin về những người con hi sinh vì Tổ quốc”, ông đã ghi được địa chỉ của tôi. Lần này, ông nhờ tôi tìm mộ của liệt sĩ Lưu Xuân Pho, người cùng quê, đi nghĩa vụ một lần và ở cùng một tiểu đội với ông cho đến trước ngày Lưu Xuân Pho hi sinh ít hôm.
Ông Quang cho biết, tiểu đội ông gồm 15 chiến sĩ, thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 9, sư đoàn 304 đóng quân tại xóm Phú Thượng, xã Phú Hải, thị xã Đồng Hới. Ông và Lưu Xuân Pho ở trong nhà chị Lê Thị Cải, có cậu em là Lê Công Cuộc. Tháng 2/1970, Lưu Xuân Pho bị sốt rét ác tính, điều trị ở Quân Y viện 41 không khỏi và hi sinh tại đó. Lúc này, đơn vị ông phải chuyển đi nơi khác nên nơi yên nghỉ của Lưu Xuân Pho ở đâu, ông Quang không hề biết.
Nhận được thư ông Quang, tôi vào việc ngay để đáp ứng nguyện vọng của ông. Đúng như thông tin của ông Quang, ngày ấy các ông ở nhờ gia đình ông Lê Công Cuộc (ông Cuộc sau này làm Chủ tịch UBND thị xã Đồng Hới, rồi làm Giám đốc Sở Tài chính Quảng Bình). Ông Cuộc cho tôi biết, lúc đóng quân trong gia đình, có anh Quang và anh Pho. Một thời gian sau, đơn vị chuyển đi nơi khác, gia đình không rõ địa chỉ của họ. Để tìm mộ liệt sĩ Lưu Xuân Pho, tôi đã đến các nghĩa trang liệt sĩ trong TP Đồng Hới. Cuối cùng, tôi đã tìm ra được mộ của liệt sĩ Lưu Xuân Pho, ở nghĩa trang liệt sĩ phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới.
Tôi liền báo cho ông Quang. Hơn tuần sau, gia đình tôi bỗng có hai khách lạ tìm đến nhà. Đó là ông Lưu Xuân Thâu, 74 tuổi và vợ là bà Tạ Thị Nhâm, 67 tuổi, ở số 4, ngõ 150, đường Hùng Vương, TP Nam Định. Ông Thâu và bà Nhâm kể, ông Quang sau khi nhận được thư tôi đã đến Nam Định báo tin cho gia đình. Liệt sĩ Lưu Xuân Pho là em trai ông Thâu. Ông Thâu và bà Nhâm còn cho tôi biết: Cuối năm 1968, Lưu Xuân Pho mới 17 tuổi nhưng vẫn tình nguyện nhập ngũ. Hội đồng nghĩa vụ quân sự đã không chấp nhận đơn của anh, vì lúc này, Lưu Xuân Pho đang có 2 anh trai đang chiến đấu ở chiến trường B. Nhưng, khi ô tô đến đón quân, đợi xe chuyển bánh, Lưu Xuân Pho đã bí mật nhảy lên xe. Và thế là anh trở thành người lính.
Tôi dẫn vợ chồng ông Thâu và bà Nhâm lên nghĩa trang liệt sĩ Đồng Sơn. Vợ chồng họ bên ngôi mộ em, ròng rã nước mắt, dòng nước mắt của suốt 37 năm trời trông chờ.
Hai tháng sau, tôi bỗng nhận được điện của ông Thâu báo cho tôi, vào dịp 27/7, gia đình ông sẽ vào Quảng Bình làm các thủ tục để hồi hương hài cốt liệt sĩ Lưu Xuân Pho về quê. Tôi báo tin đó với chính quyền địa phương. Ông Chủ tịch phường Đồng Sơn nói rằng, người dân Đồng Hới nói riêng, mọi người nói chung, nếu như trước đây đã chăm sóc, thương yêu các anh bộ đội sống, chiến đấu trên quê hương mình bao nhiêu thì nay vẫn đậm đà, thắm thiết tình cảm bấy nhiêu.
Riêng tôi, những việc làm nhỏ nhoi đã kể, cũng không ngoài tình cảm và ý nghĩ ấy. Đó là việc của hàng trăm, hàng ngàn người đã và đang làm, vì đạo lí “Uống nước nhớ nguồn".