Về... Côn Đảo
Đời sống 16/05/2023 09:40
Phát triển du lịch biển
Chúng tôi từ thành phố biển xinh đẹp Vũng Tàu đi tàu ra Côn Đảo mất khoảng 4 tiếng. Cuối tháng 4 nên biển khá êm. Khi tàu bắt đầu chạy ra biển chúng tôi lên boong tàu để ngắm biển. Xung quanh biển mênh mông xanh thẳm. Nhìn từng vệt sóng trắng xoá dưới đuôi tàu thật đẹp. Chỉ có gió, gió lồng lộng có lúc tôi phải bám chặt vào cửa hay thành tàu để khỏi ngã. Nói là mấy tiếng nhưng sau khi ngắm biển xong xuống nhắm mắt nghỉ ngơi thoáng chút đã nghe thông báo sắp đến Côn đảo. Nhìn qua ô cửa kính tàu Côn Đảo dần hiện ra xanh mướt trên biển.
Nghỉ ngơi một đêm, chúng tôi đi vòng quanh trung tâm hòn đảo nhỏ này. Thú vị nhất là đi dạo trên bờ biển có nhiều bãi biển rất đẹp. Dừng chân ở bãi biển Đầm Trầu ai cũng tấm tắc vì cát trắng tinh, bãi thoai thoải, sóng êm, biển trong vắt. Thật thú vị vì ở đây không khí thật trong lành, ven bờ là những cây dương cổ thụ to cao. Nơi đây cũng là chỗ các du khách thường check in để săn máy bay. Khi máy bay bay ngang nghe tiếng động cơ du khách đợi sẵn sẽ có được những bức ảnh khá đẹp với máy bay bay ngay trên đầu. Dù không phải ngày cuối tuần nhưng cũng đón khá nhiều du khách. Hỏi chuyện một chị mới tắm xong lên bờ cát ngồi nghỉ, chị cho biết, chị tên Năm, ở quận 2, TP Hồ Chí Minh, chị cùng gia đình ra đây là lần thứ 3, không khí ở đây rất trong lành, biển đẹp nên mê lắm. Mà đẹp thật, chiều xuống ngắm hoàng hôn phải nói là đẹp nhất ở Côn Đảo. Bên cạnh biển xanh cát trắng còn có những tảng đá ven bờ với nhiều hình thù độc lạ.
Từ bãi Đầm Trầu, chúng tôi băng qua đoạn đường rừng không xa là tới bãi Suối Nóng. Đây cũng là bãi tắm đẹp thú vị với vẻ hoang sơ. Ngoài ra còn có các bãi An Hải, Lò Vôi, Ông Đụng, Đất dốc... Lúc quay về dọc đường chúng tôi bắt gặp một đàn khỉ đang nhảy nhót ven đường khúc rừng quốc gia. Khỉ ở đây rất dạn dĩ, khách cho bánh, trái cây ngồi ăn ngon lành.
Được biết Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ; với tổng diện tích đất nổi khoảng 75,78km2, diện tích mặt biển thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo khoảng 140km2 và vùng biển xung quanh các đảo... Nhiều du khách thích cảm giác mạnh, thuê ca nô đi ra thăm các đảo cũng rất thú vị.
Du lịch tâm linh
Khách ra Côn Đảo ngoài nghỉ dưỡng, tham quan cảnh biển thì phần không thể thiếu là đi thăm chùa và nhà tù Côn Đảo. Ngôi chùa ai cũng ghé là chùa Núi Một còn được gọi là Vân Sơn tự - địa điểm tâm linh ở Côn Đảo rất nổi tiếng và hút khách đến. Từ trên cao có thể nhìn bao quát được hết cả một vùng dưới đảo tuyệt đẹp. Đến chùa còn được mời ăn chè và nước hạt é mát lạnh, khiến bao mỏi mệt khi leo hơn 200 bậc đá lên chùa biến mất.
Một địa chỉ không thể bỏ qua là miếu bà Phi Yến là nơi thờ bà chúa Hoàng Phi Yến. Theo nhiều người kể: Bà là vợ của vua Nguyễn Ánh vì can ngăn chồng nhờ Pháp chống lại quân Tây Sơn, nên bà đã bị giam cầm tại đảo Hòn Bà. Khi quân Tây Sơn tới gần đảo bà được cứu thoát, bà được người dân dựng nhà ngay cạnh mộ con để tiện chăm nom. Tuy nhiên trong một lần đi hội làng, bà bị kẻ xấu có ý định xấu, nhưng khi mới chạm tay vào người thì bà đã hô hoán người dân bắt lại. Để giữ trọn trinh tiết bà đã tự kết liễu đời mình khi mới 25 tuổi.
Nhắc tới những địa điểm tâm linh ở Côn Đảo không thể bỏ qua nghĩa
trang Hàng Dương nơi có mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Mộ cô Sáu ở dưới một gốc cây dương. Nghĩa trang Hàng Dương được phân thành 3 khu là A, B và C, chôn cất khoảng 20.000 tù nhân. Trong đó, mộ cô Sáu thuộc khu C. Lúc nào mộ cô Sáu cũng có người tới cúng viếng, nhất là ban tối. Côn Đảo còn có nghĩa trang Hàng Keo có tổng diện tích khoảng 80.000m2, là nơi chôn hơn 10.000 tù nhân do Pháp giam cầm.
Đến đây chúng tôi dành trọn một buổi để đi thăm nhà tù Côn Đảo còn được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Nhìn những phòng giam nhỏ, dãy nhà tù hẹp có chỗ chỉ 1 người đi lọt, những tượng tù nhân được mô phỏng lại ai cũng cảm thấy rùng mình và khâm phục cho ý chí của những tù nhân ở đây.
Các trại giam Phú Tường, Phú Hải được ví như những “địa ngục trần gian” thật kinh khủng. Đây là hệ thống nhà tù do thực dân Pháp bí mật xây dựng để giam giữ và tra tấn những người tù chính trị trong thời kì kháng chiến. Trại giam Phú Tường được xây dựng vào năm 1940, thuộc hệ thống Trung tâm cải huấn - trại Phú Hải. Nơi đây được mệnh danh là “chuồng cọp kiểu Pháp”. Trại Phú Hải là nhà tù cổ và lớn nhất tại Côn Đảo. Nhà giam này thuộc hệ thống các trại tù khổ sai được ví là “địa ngục trần gian”. Phòng giam số 7, nơi chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo ra đời (cuối năm 1932), sau phát triển thành Đảng ủy Côn Đảo, lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù nhân với sự đóng góp của các đồng chí Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Hoan, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh,...
Bà Trần Thị Kiệm, 72 tuổi, ở phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cùng đi với tôi thốt lên: “Đã nghe chú ruột bị giam ở đây kể về hồi bị giam ở đây, giờ tận mắt nhìn thấy xót xa những người bị địch giam cầm, sự tàn ác của những tên cai ngục”.
3 ngày ở Côn Đảo với bao cảm xúc về hòn đảo của quê hương. Được biết thêm, Côn Đảo sẽ được phát triển thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh tầm cỡ quốc tế. Đây là mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 417/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045.
Tạm biệt Côn Đảo, tạm biệt hòn đảo nhỏ xinh đẹp, hi vọng sẽ có dịp quay trở lại để thấy nơi này đẹp hơn, thu hút hơn nữa...