Vấn đề của hệ tim mạch (Kì 3)
Sức khỏe 01/07/2021 10:17
Khi nghỉ ngơi bình thường, nhịp tim của người trưởng thành dao động từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Thông thường, người có thể trạng càng khỏe mạnh, thì nhịp tim càng thấp. Đối với những vận động viên chuyên nghiệp, khi ở chế độ nghỉ ngơi, nhịp tim trung bình của họ chỉ khoảng 40 nhịp một phút. Ví dụ như vận động viên đua xe đạp Lance Armstrong - huyền thoại của làng thể thao thế giới, tim của anh chỉ đập khoảng 32 nhịp mỗi phút.
Nhịp tim lí tưởng theo từng độ tuổi như sau:
Trẻ sơ sinh: 120 - 160 nhịp/phút.
Trẻ từ 1 - 12 tháng tuổi: 80 - 140 nhịp/phút.
Trẻ từ 1 - 2 tuổi: 80 - 130 nhịp/phút.
Trẻ từ 2 - 6 tuổi: 75 - 120 nhịp/phút.
Trẻ từ 7 - 12 tuổi: 75 - 110 nhịp/phút.
Người lớn từ 18 tuổi trở lên: 60 - 100 nhịp/phút.
Vận động viên: 40 - 60 nhịp/phút.
Để đo nhịp tim, thông thường chỉ cần kiểm tra mạch ở cổ, ở cổ tay hoặc chân. Đặt ngón tay trỏ và ngón thứ ba lên cổ sang một bên của khí quản, sẽ thấy động mạch cảnh đập. Để kiểm tra mạch ở cổ tay, hãy đặt hai ngón tay vào vị trí giữa xương quay và gân cơ cánh tay quay và gân cơ gấp cổ tay quay, sẽ kiểm tra được mạch trên động mạch quay, nằm ở phía ngón cái của cổ tay.
Ảnh minh họa |
Khi cảm nhận được nhịp đập của các động mạch, hãy đếm số nhịp đập trong vòng một phút để biết tim đập bao nhiêu lần. Không nên đếm nhịp tim trong 15 giây rồi nhân với 4 hoặc đếm trong 30 giây rồi nhân với 2. Bởi nếu có một lí do nào đó khiến cho nhịp tim không đều, thì bạn sẽ không thể xác định được nhịp tim chính xác và bỏ lỡ việc phát hiện một dấu hiệu bệnh lí quan trọng.
Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhịp tim của một người, bao gồm:
Tuổi tác
Mức độ hoạt động và thể dục
Hút thuốc
Mắc bệnh tim mạch, cholesterol cao hoặc bệnh tiểu đường
Nhiệt độ không khí
Tư thế cơ thể
Cảm xúc
Kích cỡ cơ thể
Thuốc men
Mặc dù nhịp tim luôn dao động, nhưng nhịp tim cao hoặc thấp bất thường có thể cho thấy một vấn đề tiềm ẩn. Nhịp tim của một người trưởng thành bình thường, khi nghỉ ngơi sẽ dao động từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút.
Bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra nếu nhịp tim lúc nghỉ ngơi của bạn luôn trên 100 nhịp một phút (nhịp tim nhanh) hoặc nếu bạn không phải là vận động viên được đào tạo và nhịp tim lúc nghỉ ngơi của bạn dưới 60 nhịp một phút (nhịp tim chậm). Đặc biệt nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác kèm theo, chẳng hạn như ngất xỉu, chóng mặt hoặc khó thở.
6. Cung lượng tim là gì?
Cung lượng tim chính là lượng máu mà tim bơm đi trong một khoảng thời gian nhất định, thường được tính trong một phút. Bình thường cung lượng tim sẽ thay đổi phụ thuộc vào mức độ hoạt động của cơ thể. Đối với một người đàn ông khỏe mạnh, cung lượng tim khi nghỉ ngơi trung bình khoảng 5,6 l/phút. Còn đối với một người phụ nữ khỏe mạnh là khoảng 4,9 l/phút.
Công thức tính cung lượng tim đó là tích của thể tích tâm thu nhân với tần số tim. Trong đó thể tích tâm thu là số mililit máu được đẩy ra khỏi tim trong một tâm thu hay còn gọi là một nhát bóp. Chỉ số này chịu ảnh hưởng bởi tiền gánh, hậu gánh và sức co bóp của cơ tim. Ở người lớn khỏe mạnh, thể tích tâm thu là khoảng 60-90 ml.
Cung lượng tim chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên, cung lượng tim chủ yếu bị chi phối bởi 4 yếu tố sau đây:
Tần số tim: Tần số tim chính là nhịp tim là số lần tim co bóp tống máu vào động mạch trong một phút. Khi bạn hoạt động nhiều, nhu cầu oxy tăng lên thì tần số tim sẽ tăng lên để tăng cung lượng tim cung cấp máu cho mô cơ quan.
Sức co bóp của tim: Tim co bóp để đẩy máu vào động mạch, vì vậy nếu sức co bóp của cơ tim nhanh và mạnh thì cung lượng tim sẽ tăng lên. Khi khả năng co bóp của tim giảm thì cũng làm giảm cung lượng tim xuống một mức đáng kể.
Tiền gánh: Tiền gánh là lượng máu được đổ vào tâm thất trong cuối thì tâm trương. Khi tiền gánh càng lớn trong giới hạn cho phép thì sức co rút cơ càng tăng. Như vậy khi tiền gánh tăng tức là lượng máu về tim lớn, thì lượng máu được tim đẩy vào động mạch cũng sẽ càng lớn tức là tăng cung lượng tim tăng. Ngược lại khi lượng máu đổ về tim giảm tức là tiền gánh giảm có thể gây ra giảm cung lượng tim.
Hậu gánh: Hậu gánh là sức cản mà tâm thất phải chống lại để tống máu ra ngoài. Nó phụ thuộc chủ yếu vào huyết áp động mạch và trương lực của mạch máu. Khi giảm hậu gánh có thể làm tăng cung lượng tim. Đặc biệt là trong trường nhưng hợp suy tim, tim đang bị giảm khả năng co bóp. Ngược lại khi tăng hậu gánh sẽ làm giảm cung lượng tim.
Mời quý độc giả đón đọc kì tiếp theo của chuyên đề: “Vấn đề của hệ tim mạch”. Chuyên mục được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Sao Đại Việt - Sàn thương mại điện tử: alosuckhoe.vn - Thành viên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Địa chỉ: Số 18 Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0243.207.26.26 - Di động: 084.777.6863. www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong www.saodaiviet.vn Email: saodaiviet.vn@gmail.com Youtube: Sao Đại Việt Mọi ý kiến về bài viết, xin quý vị vui lòng liên lạc với địa chỉ trên. |