Vấn đề của hệ tim mạch
Sức khỏe 26/08/2021 11:19
Kì 11: Biểu hiện bệnh cơ tim và làm thế nào để chẩn đoán?
4. Biểu hiện của bệnh cơ tim là gì?
Một số người bị bệnh cơ tim không bao giờ có các dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Còn một số bệnh nhân khác không có dấu hiệu hoặc triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh.
Khi bệnh cơ tim nặng hơn và tim yếu đi, thường xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim. Các dấu hiệu và triệu chứng suy tim bao gồm:
Khó thở đặc biệt là khi gắng sức.
Mệt mỏi.
Sưng ở mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân, bụng và tĩnh mạch ở cổ.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm: Đau đầu, chóng mặt; ngất xỉu khi hoạt động thể chất; loạn nhịp tim (nhịp tim không đều); đau ngực, đặc biệt là sau khi gắng sức hoặc ăn nhiều...
5. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh cơ tim?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh cơ tim dựa trên tiền sử bệnh tật của bạn và gia đình, khám sức khỏe và dựa vào kết quả từ các xét nghiệm và thủ thuật thăm dò.
5. 1. Tiền sử bệnh tật của bạn và gia đình
Bác sĩ sẽ muốn tìm hiểu về tiền sử bệnh của bạn như: Bạn đã và đang mắc những bệnh gì, có những dấu hiệu và triệu chứng nào và chúng xuất hiện, tồn tại trong bao lâu.
Bác sĩ cũng sẽ muốn biết liệu trong gia đình bạn có ai bị bệnh cơ tim, suy tim hoặc ngừng tim đột ngột hay không.
5. 2. Khám sức khỏe
Các dấu hiệu thực thể có thể là căn cứ để giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán bệnh cơ tim. Sưng mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân, bụng hoặc tĩnh mạch ở cổ cho thấy có sự tích tụ chất lỏng, một dấu hiệu của suy tim.
Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe tim và phổi của bạn để tìm những âm thanh có thể gợi ý bệnh cơ tim. Những âm thanh này thậm chí có thể gợi ý một loại bệnh nhất định.
Ví dụ, dựa vào độ to, thời gian và vị trí của tiếng thổi ở tim có thể gợi ý bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn. Âm thanh “lách tách” trong phổi có thể là dấu hiệu của bệnh suy tim. Suy tim thường phát triển trong giai đoạn sau của bệnh cơ tim.
Bác sĩ có thể nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cơ tim khi khám định kì. Ví dụ, họ có thể nghe thấy tiếng tim đập, hoặc bạn có thể có kết quả xét nghiệm bất thường.
5. 3. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh cơ tim
Bác sĩ có thể đề nghị bạn làm một hoặc nhiều xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh cơ tim.
5. 3. 1. Xét nghiệm máu
Để thực hiện xét nghiệm máu, một lượng máu nhỏ sẽ được lấy từ cơ thể bạn. Nó thường được lấy từ tĩnh mạch trên cánh tay của bạn bằng kim. Thủ tục này thường nhanh chóng và dễ dàng, mặc dù nó có thể gây ra một số khó chịu trong thời gian ngắn.
Xét nghiệm máu cung cấp cho bác sĩ thông tin về máu và một số chỉ số đánh giá tim của bạn sẽ giúp bác sĩ loại trừ các bệnh lí khác.
5. 3. 2. Chụp X-quang ngực
Phim chụp X-quang ngực cho hình ảnh của các cơ quan và các cấu trúc bên trong ngực của bạn, chẳng hạn như tim, phổi và mạch máu. Điều này có thể cho biết liệu tim của bạn có to hơn bình thường hay không. Chụp X-quang cũng có thể cho biết liệu chất lỏng có tích tụ trong phổi của bạn hay không.
5. 3. 3. Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ là một xét nghiệm đơn giản ghi lại hoạt động điện của tim. Xét nghiệm cho biết tim đập nhanh như thế nào và nhịp của nó có ổn định hay không đều. Điện tâm đồ cũng ghi lại cường độ và thời gian của các tín hiệu điện khi chúng đi qua từng phần của tim.
Thử nghiệm này được sử dụng để phát hiện và nghiên cứu nhiều vấn đề về tim, chẳng hạn như đau tim, loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) và suy tim. Kết quả điện tâm đồ cũng có thể gợi ý các rối loạn khác ảnh hưởng đến chức năng tim.
Một kết quả điện tâm đồ tiêu chuẩn chỉ ghi lại nhịp tim trong vài giây. Nó sẽ không phát hiện các vấn đề không xảy ra trong quá trình kiểm tra.
Để chẩn đoán các vấn đề về tim xảy ra và biến mất, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đeo một máy đo điện tim di động. Phổ biến nhất là Holter 24h là những thiết bị nhỏ gọn, di động ghi lại hoạt động điện của tim trong khi bạn thực hiện các hoạt động bình thường hằng ngày trong khoảng thời gian đầy đủ 24 hoặc 48 giờ. (Còn tiếp)
Mời quý độc giả đón đọc kì 12 của chuyên đề: “Vấn đề của hệ tim mạch”. Chuyên mục được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Sao Đại Việt - Sàn thương mại điện tử: alosuckhoe.vn - Thành viên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Địa chỉ: Số 18 Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0243.207.26.26 - Di động: 084.777.6863. www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong; www.saodaiviet.vn Email: saodaiviet.vn@gmail.com Youtube: Sao Đại Việt Mọi ý kiến về bài viết, xin quý vị vui lòng liên lạc với địa chỉ trên. |