Vaccine phế cầu 23 mới đặc biệt hiệu quả ở người cao tuổi, bệnh nền
Sức khỏe 29/08/2024 17:18
Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh vừa công bố dịch sởi; toàn dân đang hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ em và người lớn, ngày 28/8, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã chính thức triển khai tiêm chủng vaccine phế cầu 23 (MSD - Mỹ) tại gần 200 trung tâm trên cả nước. Sau vaccine phế cầu 10 và 13, Việt Nam có thêm vaccine phế cầu 23 (MSD - Mỹ) - một loại vắc xin mới phòng phế cầu khuẩn, kịp thời giúp người dân thêm cơ hội phòng các bệnh do phế cầu hiệu quả, đặc biệt là NCT, người có bệnh nền.
Lễ ra mắt vaccine phế cầu 23 tại VNVC Hoàng Văn Thụ (TP. Hồ Chí Minh) sáng 28/8/2024. |
Theo bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng, Hệ thống tiêm chủng VNVC, trong gần 8 năm qua, VNVC đã cùng các hãng vaccine đưa về Việt Nam 10 loại vaccine mới, giúp hạn chế tối đa tình trạng khan hiếm vaccine, đặc biệt là giúp phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và người lớn.
“Là đối tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn dược phẩm MSD, do đó, VNVC đã đặt hàng sớm và nỗ lực cùng Công ty MSD Việt Nam đưa vaccine quan trọng này về phục vụ cho người dân. Hiện vaccine phế cầu 23 đã có đầy đủ tại VNVC, được bảo quản an toàn trong hệ thống hàng trăm kho lạnh đạt chuẩn GSP chất lượng quốc tế và sẵn sàng triển khai tiêm rộng rãi cho trẻ em từ 2 tuổi, người lớn, NCT có bệnh nền”, bà Hà cho biết thêm.
Vaccine phế cầu 23 có tên Pneumovax 23 (Mỹ) đã được đưa vào sử dụng tại gần 50 quốc gia trên toàn thế giới như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Úc, Hồng Kông, Singapore... Đây là vaccine phòng 23 chủng vi khuẩn khác nhau của phế cầu, là những chủng tiêu biểu trong số những tác nhân gây bệnh phế cầu xâm lấn, bao gồm: 1, 2, 3, 4, 5, 6B, 7F, 8, 9N, 9V, 10A, 11A, 12F, 14, 15B, 17F, 18C, 19A, 19F, 20, 22F, 23F, 33F.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của vaccine phế cầu 23 lên đến 86% trong việc phòng ngừa bệnh lý do phế cầu khuẩn xâm lấn và viêm phổi ở NCT và người có bệnh nền. |
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết lịch tiêm vaccine phế cầu 23 sẽ tùy theo độ tuổi và lịch sử chủng ngừa. Vaccine được khuyến cáo tiêm bổ sung cho trẻ em và người lớn đã tiêm vắc xin phế cầu 10 và 13 để củng cố hiệu quả và tăng cường bảo vệ trước các chủng phế cầu khác mà hai loại này chưa có. Trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn tiêm một liều cơ bản. Người có nguy cơ cao mắc bệnh cần tiêm chủng lại sau liều cơ bản 5 năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của vaccine phế cầu 23 lên đến 86% trong việc phòng ngừa bệnh lý do phế cầu khuẩn xâm lấn và viêm phổi ở NCT và người có bệnh nền. Cụ thể, vaccine phế cầu 23 có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh lý do phế cầu khuẩn xâm lấn từ 57% đến 85% tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý nền. Trong đó, nếu xét theo từng nhóm bệnh lý nền, vaccine phế cầu 23 giúp giảm nguy cơ mắc phế cầu đến 65% với nhóm bệnh phổi mạn tính, 73% với nhóm có bệnh mạch vành, 77% với nhóm cắt lách và 84% với nhóm đái tháo đường.
“Việc tiêm bổ sung vaccine phế cầu 23 tạo cơ hội cho cơ thể tiếp cận lại các tuýp huyết thanh có trong vaccine phế cầu 10 và 13 đã tiêm trước đó, củng cố hiệu quả bảo vệ đồng thời phòng thêm các chủng phế cầu mới, nguy hiểm khác không có trong vaccine phế cầu 10 và 13, tăng cường khả năng chống lại các bệnh do phế cầu khuẩn xâm lấn hiệu quả hơn”, bác sĩ Chính nói.
Đến nay, đã có khoảng 100 tuýp huyết thanh phế cầu được phát hiện, trong đó 23 tuýp gây 80 - 90% bệnh phế cầu xâm lấn trên thế giới. Theo thống kê, chi phí điều trị trung bình cho mỗi bệnh nhân viêm phổi cộng đồng tại Việt Nam là 629 USD (tương đương 16 triệu đồng), thời gian nằm viện trung bình 10 ngày.