Vaccine Covid-19 nội địa vũ khí chống dịch đường dài của châu Á
Quốc tế 10/09/2021 09:45
Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều đang chú trọng đầu tư cho các ứng cử viên vaccine được phát triển nội địa nhằm tìm kiếm một nguồn cung cấp ổn định trên đường dài đối phó với đại dịch.
Mặc dù các loại vaccine nội địa khó có thể được triển khai kịp thời để cứu vãn tình trạng sản xuất vaccine chậm chạp, nhưng các nhà chức trách và giới chuyên gia coi cách tiếp cận này là một khoản đầu tư dài hạn và cần thiết.
Nhiều chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài vô thời hạn, trở thành một bệnh đặc hữu. Điều đó có nghĩa là sự xuất hiện của các biến thể có khả năng kháng các loại vaccine hiện có và nhu cầu tiêm vaccine nhắc lại để duy trì khả năng miễn dịch sẽ thúc đẩy nhu cầu vaccine trong nhiều năm tới. Khi nguồn cung thua xa nhu cầu trong nước, các quốc gia đã chú trọng phát triển vaccine nội địa để có thể tận dụng các lợi thế sản xuất, cung ứng trong nước, thậm chí mở ra cơ hội cho ngoại giao vaccine.
Iran nằm trong số những quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch ở thời kì đầu năm 2020. Nước này hiện đang đối phó với làn sóng dịch thứ năm, với sự thống trị của biến thể Delta. Số liệu chính thức cho thấy, nước này ghi nhận trên 5,1 triệu ca mắc Covid-19 và trên 110.000 người tử vong kể từ đại dịch bắt đầu, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Vaccine ZyCoV-D công nghệ DNA của Ấn Độ |
Các nhà khoa học cho biết Iran là một trong số ít quốc gia Trung Đông có năng lực phát triển vaccine và họ đã làm điều đó một cách nghiêm túc. Khoảng 10 loại vaccine Covid-19 đang được Iran phát triển và một loại có tên COVIran Bakerat đã được đưa vào chương trình tiêm chủng bên cạnh các loại vaccine nhập khẩu khác, mặc dù ít người biết về những loại vaccine này ở bên ngoài Iran.
Đài Loan (Trung Quốc) thì phát triển vaccine Covid-19 "cây nhà lá vườn" để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng khi vùng lãnh thổ này gặp khó khăn trong bảo đảm nguồn cung từ các công ty dược phẩm lớn. Vaccine Covid-19 sản xuất nội địa bởi công ty Medigen Vaccine Biologics đã được đưa vào chương trình tiêm chủng từ ngày 23/8, với việc nhà lãnh đạo Thái Anh Văn được tiêm mũi đầu tiên.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết cung cấp mọi hỗ trợ có thể để phát triển vaccine Covid-19 nội địa, với việc đưa ra gói đầu tư 2,2 ngàn tỉ won (2,6 tỉ USD) nhằm trợ lực các nhà sản xuất dược trong nước.
Tại Nhật Bản, ít nhất 4 công ty dược phẩm đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 hoặc 2 với một số ứng cử viên vaccine, nhưng việc phê duyệt dự kiến còn mất nhiều tháng nữa.
Tại Ấn Độ, đầu năm 2021, vaccine Covaxin, do Công ty Bharat Biotech International phát triển bằng công nghệ bất hoạt, được cấp phép sử dụng khẩn cấp - ngay cả trước khi giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên người đã chứng minh mức độ hiệu quả của nó. Gần đây, trong tháng 8, Ấn Độ thông qua sử dụng khẩn cấp vaccine DNA đầu tiên của thế giới. Vaccine này có tên ZyCoV-D do công ty Zydus Cadila sản xuất. ZyCoV-D không cần kim tiêm và được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho người trưởng thành cũng như trẻ em trên 12 tuổi.
Tại Thái Lan, kể từ tháng 4, nước này bị cuốn vào một làn sóng lây nhiễm Covid-19 theo hình xoắn ốc, hiện nay khoảng 20.000 ca nhiễm mới/ngày. Hoạt động tiêm chủng của Thái Lan hiện phụ thuộc vào vaccine từ nước ngoài như Sinovac, AstraZeneca, Sinopharm và Pfizer. Để giảm sự phụ thuộc vào vaccine nhập khẩu và tăng cường nguồn cung cho quốc gia, các nhà khoa học Thái Lan đã phát triển tới 6 loại vaccine trong nước. Mặc dù chưa có ứng cử viên nào được cấp phép sử dụng, nhưng các nhà phát triển hi vọng vaccine nội địa sẽ đóng vai trò là mũi tiêm nhắc lại trong tương lai gần.
Tại Indonesia, Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) của Indonesia đã cho phép Đại học Airlangga và PT Biotis phát triển vaccine Covid-19 Merah Putih trong nước. Merah Putih là vaccine bất hoạt, có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào nửa đầu năm sau. Các chuyên gia y tế hoan nghênh sự phát triển này vì nó có thể giúp tăng cường nguồn cung cấp vaccine cho Indonesia về lâu dài...