Từ lịch sử hướng tới tương lai, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
Sự kiện 03/08/2024 16:26
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016. Các cuộc gặp, tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ với Lãnh đạo Ấn Độ đã giúp khẳng định tình cảm hữu nghị gắn bó và mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt giữa hai nước, cũng như khẳng định sự coi trọng và ủng hộ mà hai nước dành cho nhau trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Trong các cuộc gặp, hai bên chia sẻ tầm nhìn chiến lược về thế giới ngày nay, ghi nhận những tiến triển và thành quả to lớn, bước tiến vượt bậc đã đạt được trong quan hệ hai nước, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016.
Hai bên nhất trí rằng, Việt Nam và Ấn Độ có tin cậy chính trị cao; văn hóa - văn minh tương đồng, ý tưởng tương thông; kinh tế bổ trợ; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và còn nhiều tiềm năng, dự địa hợp tác, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để phù hợp với xu thế chung của thời đại, cũng như phục vụ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân và thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước.
Hai Thủ tướng thông qua kế hoạch hành động mới để thúc đẩy những bước tiến mới trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực. |
Trên cơ sở nền tảng vững chắc của 52 năm phát triển quan hệ song phương, trong bối cảnh thế và lực mới của hai nước cũng như đứng trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới, các nhà lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm tiếp theo, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân hai nước.
Theo đó, hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ trong các lĩnh vực truyền thống như quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, văn hóa - giáo dục và mở rộng những lĩnh vực hợp tác mới về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, gia tăng thương mại và đầu tư hai chiều, đẩy mạnh và làm sâu sắc hợp tác về khoa học - công nghệ. Chuyến thăm cũng khẳng định Việt Nam và Ấn Độ luôn ủng hộ lẫn nhau, sẵn sàng hợp tác, chung tay xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, kí 9 văn kiện trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, tài chính, y tế, văn hóa, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2024-2028.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Lãnh đạo Ấn Độ đã nhất trí tăng cường hợp tác trên tinh thần "Năm hơn", cụ thể: Một là, tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn. Hai là, hợp tác quốc phòng - an ninh sâu sắc hơn. Ba là, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, đột phá hơn.Bốn là, hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn. Năm là, hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu Nhân dân kết nối mật thiết hơn.
Để cụ thể hóa phương hướng "Năm hơn" đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất cần 5 định hướng ưu tiên, theo đó cần củng cố và tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đưa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư phát triển tương xứng với tầm vóc quan hệ; đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, hiện thực hóa tầm nhìn về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở các vùng biển và đại dương; chủ động đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức toàn cầu; cùng nhau đưa hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, kết nối địa phương, giao lưu Nhân dân, du lịch trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển bền vững của hai nước.
Một điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm là các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Ấn Độ, trên cơ sở phát huy nền tảng quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp để hình thành, triển khai các dự án cụ thể, khả thi, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Thủ tướng Modi khẳng định, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở ra một chương mới cho quan hệ giữa hai bên. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm cao của Lãnh đạo hai nước trong việc đưa quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, thiết thực và hiệu quả hơn, tin cậy sâu sắc hơn, với nhiều cơ hội rộng mở hơn…