Trung Quốc đang tìm cách phá Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016
Quốc tế 25/04/2020 10:00
Mới đây, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Việt Nam và dư luận quốc tế cực lực phản đối hành động sai trái này.
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Nam Dương, nhấn mạnh: “Việc chính quyền Trung Quốc tuyên bố thành lập hai khu vực hành chính thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm quản lí hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là bước leo thang mới trong chuỗi hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây thực chất là thủ đoạn tạo vỏ bọc dân sự - hành chính cho hoạt động chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc tại hai quần đảo của Việt Nam, tiếp theo việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” từ năm 2012.
Với thủ đoạn này, Trung Quốc có thể đang tìm cách thách thức, phá hoại Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế năm 2016, vốn bác bỏ các yêu sách nằm trong “đường lưỡi bò” phi lí của Trung Quốc. Phán quyết này đang được nhiều nước trong khu vực đề cập tới trong các công hàm gửi Liên Hợp Quốc hay tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng thời gian gần đây”.
Các công trình phi pháp do Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. |
Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Lucio Blanco Pitlo III, nghiên cứu viên tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, Quyết định của Trung Quốc có thể là một mưu đồ nhằm củng cố tuyên bố Tứ Sa của mình mặc dù điều này là không thể biện hộ. Không có thực thể nào tại cái gọi là Tam Sa được coi là đảo dựa trên phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cùng năm. Tương tự, các thực thể khác tại “Trung Sa”, “Đông Sa” cũng không thể được coi là đảo. Bản thân “Trung Sa” (Macclesfield Bank) hoàn toàn là một bãi ngầm. Đối với Trung Quốc, một quốc gia có thềm lục địa, việc tuyên bố chủ quyền đối với những quyền được có trên biển bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và vẽ đường cơ sở xung quanh các thực thể ở Tứ Sa sẽ khó mang tính thuyết phục”.
PGS.TS Nguyễn Nam Dương phân tích: “Hành động của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên tại Biển Đông (DOC), cũng như nhiều chuẩn mực quốc tế và khu vực về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực từ năm 1974, hành động này không tạo ra chủ quyền cho Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Hành động của Trung Quốc cũng vi phạm Điều 5 trong Tuyên bố DOC về tự kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, làm tổn hại đến hoà bình ổn định ở khu vực. Đặc biệt, hành động này có thể phá hoại các nỗ lực thương lượng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa các nước liên quan. Hành động của Trung Quốc cũng không phù hợp với tinh thần Thoả thuận về Các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển, kí kết giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011”. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, không loại trừ khả năng Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước đang tập trung chống dịch để thừa cơ lấn tới, âm mưu tạo “sự đã rồi” trên thực địa.
Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua cũng cho thấy, các nước như Malaysia, Philippines, Mỹ… vẫn đề cao cảnh giác trước hoạt động của Trung Quốc, ngay cả trong điều kiện dịch bệnh đang hoành hành và một số nước tiếp nhận sự trợ giúp y tế của Trung Quốc. Mặt khác, hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm sứt mẻ nỗ lực triển khai “ngoại giao Covid” nhằm đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc trong đại dịch. Hôm 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi phát biểu với báo giới đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng thế giới đang tập trung đối phó với Covid-19 để tiếp tục hành vi khiêu khích.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam cùng các quốc gia có quyền lợi hợp pháp tại Biển Đông cần nâng cao đoàn kết, cảnh giác cao độ và phối hợp hành động để ngăn ngừa những hoạt động phiêu lưu, bất chấp luật pháp quốc tế.