Tưng bừng Hội thao VMU năm 2025

Văn hóa - Thể thao 18/01/2023 10:14
Sân ga chiều cuối năm
Có những chuyến tàu cuối năm, nơi mà không ít những cảm xúc. Dòng người nườm nượp bước lên chuyến tàu để về lại với những đồng quê ngào ngạt mùi bùn đất, những ngọn đồi hiu hiu gió thổi, những thị trấn vắng vẻ u tịch. Họ bỏ lại sân ga, bỏ lại thành phố ồn ào để hăm hở lên tàu, bởi ở quê nhà đang có nhiều người mong đợi.
Chiều cuối năm trên sân ga, những hành khách tất tưởi xách theo đồ đạc, tay cầm vé để bước lên tàu về quê ăn Tết. Niềm mong mỏi cho cả một năm xa quê làm lụng hiện rõ trên khuôn mặt, trong những ánh mắt thấp thoáng hi vọng của họ. Sân ga chiều cuối năm có rất nhiều những khuôn mặt, những cảm xúc, những nhớ thương riêng có của mỗi người.
![]() |
Trên những sân ga của cuộc hành trình, những nhân viên của đoàn tàu tiễn những hành khách xuống ga, và lại đón thêm những người khách mới. Những năm gần đây, những sân ga đã không còn chật kín người như cách đây hàng chục năm về trước. Nhưng những tiếng cười, nói, trêu ghẹo, tiếng trẻ khóc, tiếng dỗ dành... mọi hỉ, nộ, ái, ố của xã hội thu nhỏ vẫn xuất hiện trên chuyến tàu dọc theo dải đất hình chữ S.
Khi đoàn tàu kéo còi và tạm biệt sân ga, có những thế giới riêng bé nhỏ ắp đầy bao cảm xúc bắt đầu mở ra trên con tàu. Trên những chuyến tàu, nơi mỗi người bắt đầu cuộc hành trình của mình trong sự mới mẻ, lạ lẫm. Và thế giới xa lạ ấy bỗng gần gũi vô cùng khi nhân viên đường sắt xách giúp hành khách chiếc vali cho vào khoang hành lí, hỏi han đôi câu khi con tàu đang bắt đầu tăng tốc tiến về phía trước, hay những lần khách bỏ quên hành lí, tiền bạc trên tàu được nhân viên trả lại.
Những nỗi niềm trên những cuộc hành trình
“Tàu mình, Tết có chạy không chị nhỉ?”, một hành khách trong lúc ngắm những cánh đồng mùa Đông qua khung cửa sổ đã cất tiếng hỏi. Chị Nguyễn Thị Bích Thảo, tiếp viên trên tàu cũng nhìn mông lung ra cửa sổ, trả lời: “Có chứ em, Tết có khi còn tăng chuyến đấy!”. “Vậy nếu đi vào giao thừa thì sao ạ?”, hành khách thắc mắc. Nhưng rồi chỉ nghe thấy tiếng trả lời nhẹ thoảng như gió, mà đượm những nỗi niềm: “Nếu tổ nào trúng lịch thì phải chịu thôi em, nhiều lúc ở nhà con khóc đòi mẹ, mình cũng khóc, gần 20 năm như thế rồi...”, chị Thảo nói với giọng đượm buồn.
![]() |
Trên những chuyến tàu như thế, chỉ có những nhân viên đường sắt còn ở lại và trải qua biết bao nỗi niềm. Trên những chuyến tàu chạy dài suốt dọc miền đất nước. Những nhân viên đường sắt trên tàu như một gia đình vậy. Lắc lư theo nhịp ray sắt. Các anh các chị chia phiên nhau, người này trực thì người kia ăn và ngược lại. Những bữa cơm đạm bạc mà ấm áp tình người, tình đồng nghiệp. Khi một thành viên nào đó gặp khó khăn, dù chẳng phải là khá giả nhưng những thành viên trên tàu, các đoàn tiếp viên đều cùng nhau góp chút tiền, gửi lời thăm để động viên nhau vượt qua khốn khó. Khi đi qua những gác chắn, người lái tàu lại kéo một hồi còi, vừa để cảnh báo, nhưng trong thâm tâm của tất cả những người làm trong ngành, thì đó là tiếng chào nhau của những người trên tàu và ở những gác chắn, những cái vẫy tay vụt qua nhau nhưng cũng đủ ấm lòng người.
Trong suy nghĩ của nhiều người, nghề tiếp viên tàu được biết đến là một nghề được đi nhiều nơi… Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau công việc có vẻ nhẹ nhàng đó là những nỗi gian nan, nhọc nhằn. Bởi trên tàu, họ vừa phải điều phối hành khách, vừa phải xử lí các tình huống, sự cố nguy hiểm không may xảy ra. Chị Thảo chia sẻ, trên các chuyến tàu, người tiếp viên ngoài việc hướng dẫn vị trí cho khách, họ còn phải làm công việc soát vé. Việc kiểm soát này vô cùng vất vả bởi có những thời điểm như nghỉ lễ, dịp Tết, lượng khách đi tàu rất đông. Nếu tiếp viên lơ là, không chú ý theo dõi thì vẫn có những trường hợp trốn vé xảy ra. Chị Thảo cho biết thêm, làm trong những trường hợp đông đúc, tiếp viên thường xuyên tiếp xúc với nhiều hành khách khác nhau. Không ít lần, họ bị hành khách gây sự, mắng mỏ khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Chị Lê Thị Tuyết Hạnh, tiếp viên đường sắt, quê ở TP Vinh, Nghệ An, vào nghề đã 15 năm kể, đã có những duyên nợ vô tình do con tàu hóa ông Tơ, bà Nguyệt mà se duyên thành. Nhiều hành khách vô tình chung toa, sát ghế đã mến nhau, hòa hợp mà kết đôi. Nhưng thi vị hơn nữa là không ít cô gái đôi mươi đã phải lòng những chàng lái tàu. Hay nữa, là những khách nam mê tít nụ cười cô tiếp viên đường sắt xinh đẹp, mạnh mẽ. Để rồi khi thành đôi thành lứa, họ chọn cho mình những bộ ảnh cưới trên những sân ga, đợi tàu...
Công tác phục vụ, tiếp đón hành khách những năm trở lại đây đã được chú trọng, cải tiến rất nhiều. Thái độ ứng xử của nhân viên đường sắt được đánh giá cao. “Đi tàu giờ khác rồi! Sạch sẽ, ngăn nắp. Chẳng phải chen chúc gì cả. Cứ lâu lâu lại có nhân viên đẩy xe qua lại bán thức ăn, đồ uống. Nhân viên cũng rất lịch sự, hướng dẫn hành khách rất chu đáo, và ai cũng cười!”, một hành khách cho biết.
Chị Hạnh bộc bạch: “Nghề của những nhân viên trên tàu là nghề dịch vụ, ngày nghỉ hay ngày lễ, Tết mọi người nghỉ ngơi, vui chơi với gia đình thì nhân viên đường sắt lại vào giai đoạn cao điểm, hầu như không có nhiều thời gian nghỉ. Đối với nhân viên nhà tàu, chuyện đón Tết trên đường ray là hết sức bình thường, nhiều người cả chục năm không có một giao thừa ở nhà với vợ con, với gia đình”.
Có những lúc trong đêm giao thừa, sau khi tất cả hành khách đã đón giao thừa xong, phòng ăn của tàu sẽ có một bữa cơm thân mật muộn có bánh chưng, dưa cải, có phong vị mùa Xuân và nỗi lòng của những con người hỏa xa khi Tết đến, Xuân về. Bữa cơm lần đầu trong đời tôi được ăn, giữa cái se lạnh của đất trời vào Xuân, trong tiếng xập xình nghiêng ngả của con tàu, giữa không gian làng mạc, núi đồi thênh thang dọc dài đất nước. Mọi người nhìn nhau, kể cho nhau nghe mọi hỉ nộ ái ố của nghề, mỉm cười với hiện tại nhưng cũng lắm lo toan cho tương lai.
Có thể một vài ai đó vì cơm áo gạo tiền, vì mưu sinh đã rẽ ngang sang nghề khác, nhưng họ vẫn hướng về những đoàn tàu, đau đáu với những trăn trở của ngành, hay mừng vui vì đường sắt có những thay đổi tích cực hơn. Dù khó khăn hay vất vả, thì công việc của họ vẫn diễn ra trôi chảy, không hề nhàm chán, nó giống như hành trình của con tàu, dù khách đầy hay vơi thì bánh tàu vẫn đều đặn đi về sân ga.