Trao gửi yêu thương, hỗ trợ những NCT khó khăn
Xã hội 17/08/2023 10:41
Đến nay, quán cơm chay Tùy Tâm trên Quốc lộ 62, phường 6, TP Tân An, tỉnh Long An hoạt động đã hơn 3 năm và là “điểm dừng chân” của nhiều NCT, lao động nghèo. Quán được mở với mong muốn mang đến những bữa cơm cho NCT hoàn cảnh khó khăn với phương châm “Ăn tùy bụng - Trả tùy tâm”. “Sau đợt dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt của đời sống, nên chị em tôi quyết định mở quán cơm này và tôi là người trực tiếp quản lí. Nhờ mạnh thường quân ủng hộ thêm, còn lại thì chúng tôi cũng cố gắng xoay xở 15 triệu đồng/tháng để duy trì hoạt động của quán, hi vọng có thể giúp được nhiều người” - bà Đoàn Thị Thanh Điều, quản lí quán cơm chia sẻ.
Quán cơm chay Tùy Tâm |
Để chuẩn bị mở cửa quán phục vụ từ 6-14 giờ mỗi ngày, từ 3 giờ sáng, bà Điều cùng nhân viên phải thức dậy đi chợ, nấu ăn. Thực đơn được thay đổi hằng ngày với các món: Đậu hũ chiên, rau xào, canh, hủ tiếu, bánh canh,... Trung bình, quán phục vụ gần 500 suất ăn/ngày. Những ngày đông khách hơn sẽ có người tình nguyện đến phụ quán. Khách đến ăn được miễn phí hoàn toàn hoặc phụ quán ít tiền, tùy tâm. “Tôi thường ghé quán ăn sáng và góp ít tiền để quán duy trì hoạt động ý nghĩa này, hi vọng quán sẽ giúp được những NCT nghèo có được bữa cơm ấm lòng”, bà Thanh Hiếu, ở phường 3, TP Tân An chia sẻ.
Không chỉ quán cơm Tùy Tâm tại TP Tân An và nhiều địa phương khác, không khó để bắt gặp những quán cơm 1.000 đồng, 5.000 đồng. Những quán này được mở ra chủ yếu phục vụ những lao động nghèo. Sự sẻ chia đó như lời yêu thương gửi đến những hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài các quán cơm từ thiện, trên địa bàn tỉnh, còn nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thiện nguyện với những hình thức đa dạng. Vợ chồng chị Huỳnh Ngọc Phấn, ở phường 6, TP Tân An thành lập tủ quần áo từ thiện tại TP Tân An, huyện Đức Hòa, Châu Thành. Tại những địa điểm này, mọi người có thể gửi tặng quần áo, giày dép, tủ, giường, bàn ghế, xe đạp,... không sử dụng nữa, vợ chồng chị sẽ mang đến tặng những người đang cần. Ai có lòng cho gì chị đều nhận. Quần áo chị giặt sạch, tẩy trắng, treo lên ngay ngắn để người nào cần có thể đến chọn. Bàn ghế, xe đạp bị hỏng thì chị cùng chồng sửa lại trước khi mang tặng,... Những người ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận muốn tặng đồ, chị cũng không ngại chịu chi phí vận chuyển để đón nhận. Chị Phấn chia sẻ: “Hơn 10 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, tôi mong muốn những điều nhỏ bé mình đang làm có thể giúp đỡ được một phần nào đó cho những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn”.
Người thường xuyên đóng góp cho tủ quần áo từ thiện, bà Phạm Thị Chi, ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành cho biết: “Của ít lòng nhiều, có đồ nào không dùng nữa là tôi cất cẩn thận, gửi qua chỗ chị Phấn để chị ấy trao tặng đến ai cần. Tôi cũng như nhiều người khác rất trân qúy những hoạt động thiện nguyện, tích cực ủng hộ và cố gắng cùng nhau duy trì”.
Mỗi món đồ trao đi là một niềm vui nhận lại. Bằng nhiều cách khác nhau, những người như chị Phấn, bà Điều âm thầm mang đến những giá trị tốt đẹp, chia sẻ yêu thương trong cuộc sống.