Vạt nắng chiều
Văn hóa - Thể thao 08/12/2018 09:12
Đây căn nhà, mái bếp, những viên gạch đã cũ kĩ nhưng trong đó nó chứa đựng biết bao kỉ niệm êm đềm của cái thời cách đây hơn 3 thập kỉ. Vậy mà… chỉ mai hoặc ngày kia thôi là phải xa nó, không buồn, đau, day dứt sao được? mắt bà bỗng nhòe nhòe, rút khăn ra chấm nhẹ vào đôi mắt già nua, bà từ từ vào trong nhà, đến bàn thờ rút 3 nén nhang đánh lửa thắp nhang, khói hương lan tỏa bay bảng lảng khắp 3 gian nhà miệng lầm rầm khấn mà như nói với chính mình: “Ông ơi bần cùng bất đắc dĩ, tôi mới phải đi vào trung tâm dưỡng lão thành phố, xa cách ngôi nhà này, để cho hai con gái của chúng ta yên tâm làm ăn, lo lắng công việc nhà chồng, hoàn tất nghĩa vụ là dâu, chúng nó không thể về trông nom, săn sóc mẹ được. Rồi đây ngôi nhà này sẽ trở nên nhang lạnh, khói tàn, ngày giỗ, tết ai người nhang khói. Ở nơi ấy ông hiểu cho nỗi lòng tôi, tuổi tôi bây giờ đã xế chiều, đau ốm bệnh tật luôn, sức khỏe thất thường vào đó, có bác sĩ, y tá chăm sóc thuốc men, bên cạnh có bạn, có bè, động viên nhau, sống vui, sống khỏe, trong những ngày còn lại của cuộc đời. Tóm lại bởi vợ chồng mình sinh con một bề”. Sau đó bà quay ra bàn ngồi, đưa mắt nhìn về nơi xa xăm và trong chớp mắt bỗng những hình ảnh xa xưa dần dần hiện về rõ nét, khiến cho cụ bồi hồi nhớ lại.
Hồi ấy, Hà là xã đội trưởng, phụ trách trung đội dân quân trực chiến trận địa pháo phòng không 12 li 7 tại địa phương, đã đem lòng yêu mến Lâm một thanh niên, nhanh nhẹn, năng nổ, có học vấn lớp 10, không học tiếp mà nghỉ ở nhà giúp bố công việc đồng áng, bố anh là ông giáo làng tuổi cao, ốm đau, bệnh tật. Mặc dù, gà trống nuôi con, song ông đã ngày đêm chắt chiu để có tiền, gạo cho con ăn học cho bằng chúng bạn và cũng là để cho con đỡ tủi vì vắng mẹ. Anh đã vào trung đội dân quân của Hà, vừa bám đội lội đồng, vừa tích cực công tác trực chiến, hai người quấn quýt bên nhau, bạn bè vun vào và thế là hai người nên vợ nên chồng từ đó. Cưới vợ cho con trai xong, được ít lâu do bệnh nặng nên ông đã qua đời. Từ đó hai vợ chồng ngày đêm chăm lo sản xuất, chăn nuôi, đêm về hì hục cùng nhau đóng gạch, đốt lò, cuối năm đã xây được ngôi nhà ngói 5 gian, để rồi đầu xuân năm 1970, gửi lại quê hương người vợ hiền thục với cái thai 3 tháng và cô con gái đầu lòng tên là Phương, lúc đó mới lên 3. Khi Thu, con gái thứ hai cất tiếng khóc chào đời, không có may mắn được biết mặt cha, bởi Lâm đã hi sinh ở mặt trận phía Nam năm 1971.
Ở nông thôn, người ta thường lấy tên chồng đặt cho vợ, từ đó Hà trở thành Lâm, nén đau thương, một mình nuôi dạy 2 con gái khôn lớn, học giỏi, chăm ngoan. Lâm, năm nào cũng được tôn vinh là xã viên, dân quân xuất sắc tiêu biểu, khiến mọi người yêu mến, kính nể, thường lấy tấm gương đó để noi theo. Tuy ngoài 30 tuổi, có 2 con, song Lâm vẫn giữ được hình dáng, vẻ đẹp dịu dàng của cô gái quê duyên dáng. Thấy hoàn cảnh của chị Lâm như vậy có nhiều người ra vào ngỏ ý, nhưng chị đã vui vẻ, khéo léo chối từ.
Nhưng biết làm sao khác được, có lẽ đó là định mệnh chăng, thôi đành ở hoàn cảnh nào ta phải chấp nhận hoàn cảnh đó mà thôi.
Thời gian như dòng chảy, lặng lẽ êm trôi, thấm thoát đã 6 năm qua đi, con gái đầu của bà Lâm, Phương học xong đại học, ra trường, được phân công công tác về một cơ quan ở Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với bạn trai là Huy, tốt nghiệp cùng khóa và học cùng lớp. Huy, có hoàn cảnh không suôn sẻ lắm, là sinh viên nghèo, bố mất sớm mẹ đi bước nữa. Cũng từ đó, những ngày nghỉ Phương kéo Huy về nhà chơi để anh khuây khỏa, tập trung cho học tập. Bà Lâm cũng mến đức tính của anh, thấy hai đứa quấn quýt bên nhau bà cũng vui lây. Việc gì đến đã đến, Huy - Phương đem lòng yêu nhau từ khi nào không hay, thấy vậy bà Lâm rất vui lòng và ủng hộ. Để rồi sau khi ra trường, trước khi vào Sài Gòn công tác, họ đã tổ chức đám cưới. Huy mừng vui vô hạn vì được mẹ vợ yêu thương. Không nói ra nhưng trong thâm tâm của mình, từ đây về sau quyết trông nom săn sóc cho mẹ vì anh biết rằng mẹ sinh con một bề, mẹ lại gả con cho mình, yêu thương mình, hơn thế Phương lại là chị cả Huy ghi sâu điều này trong lòng, không hề nói ra cho vợ biết. Sau khi cưới, cả hai vợ chồng chia tay mẹ lên đường vào Sài Gòn công tác.
Lang thang hết sân trước, vườn sau cuối cùng bà vào trong bàn lấy giấy bút ra hí hoáy làm đơn xin đến trung tâm dưỡng lão trên thành phố, tuy phải xa nơi đã từng gắn bó với mình hơn 30 năm. Giờ đây không còn cách nào khác, vào đó sớm tối, lúc ốm, khi đau đã có bác sĩ, y tá chăm lo, chữa trị, lúc nào cũng có bạn bè cùng phòng trò chuyện, tâm sự. Gấp lá đơn cho vào túi xách, bà đội nón, đóng cửa đi xuống xin xác nhận của UBND.
Từ trong văn phòng đi ra, sau khi đọc kĩ bà vui vẻ cho lá đơn cẩn thận vào túi đi một mạch về nhà, cất vào tủ. Sáng hôm sau là Chủ nhật, như đã thành lệ, Bình là bạn thân của vợ chồng Huy - Phương, trước khi đi đã nhờ anh ở ngoài này, thi thoảng về chơi, thăm mẹ giúp và có việc gì đặc biệt thì gọi điện báo cho biết ngay. Bước chân vào trong nhà chào bà Lâm xong anh mở túi lấy ra hộp bánh đặt lên bàn thờ và thắp hương, đoạn quay ra bàn ngồi bên bà Lâm, nhìn nét mặt thấy bà không được vui, liền hỏi:
- Vài hôm nay thời tiết thay đổi, bà mệt mỏi hay sao mà không được vui?
- Người già, sớm nắng, chiều mưa, ấy mà vài hôm là lại đỡ thôi, có điều…
- Có điều gì vậy bà? Cứ bảo con, con sẽ cố gắng làm.
- Nhưng anh phải hứa, không được cho vợ chồng Huy và vợ chồng Tuy - Thu biết.
Suy nghĩ một lúc và cho rằng có thể bà cần tiền tiêu mà các con chưa gửi về kịp nên anh liền bảo.
- Con xin hứa!
- Được hứa nhé!
- Vâng.
- Nhân tiện anh có xe ô tô, sáng sớm mai anh đưa tôi vào trung tâm dưỡng lão ở đó lúc ốm đau có bác sĩ chăm sóc, thuốc men, chữa trị, hơn nữa bên cạnh luôn luôn có bạn bè cùng chung cảnh ngộ để trò chuyện, nhà này trước mắt tôi gửi anh chìa khóa để thi thoảng anh về quét dọn cho đỡ mốc. Mai này khi cái Phương-Thu nó về anh trao trả cho nó để chúng tự lo liệu. Nghe bà Lâm nói vậy, Bình tái mặt, bàng hoàng, không ngờ sự việc lại diễn ra thế này.
- Bà ơi sao bà lại nghĩ vậy, ở nhà vẫn hơn, nếu Phương - Thu mà biết thì nó buồn lắm, hay các con có điều gì sơ suất với bà, hay nó chưa gửi tiền về để bà tiêu, mai con mang tiền về đưa bà tiêu tạm.
- Tôi không thiếu tiền, hàng tháng chúng nó gửi về đều. Nhưng có điều tôi không muốn là gánh nặng cho chúng nó, vào đấy có điều kiện nó về thăm là được rồi. Trong khi đó chúng vẫn hoàn thành, gánh vác, lo toan mọi công việc bên nội, làm tròn trách nhiệm của người con dâu. Cho nên tôi đã quyết rồi. Nói đoạn bà đứng dậy quay vào mở tủ lấy ra tờ giấy khổ A4, đưa cho Bình xem. Cầm trên tay lá đơn có xác nhận của xã và sáng mai là ngày mà trung tâm sẽ đón bà. Bình ngẩn người ra không nói gì được nữa vì bà đã sắp xếp đâu vào đấy cả rồi. Anh đành phải chấp nhận với bà và hẹn đúng 7 giờ sáng mai về đón rồi vội vã chào bà ra về trong nỗi băn khoăn. Tới nhà, trời đã chạng vạng, không kịp ăn cơm, Bình ngay lập tức điện vào báo tin cho vợ chồng Huy biết và thuật lại toàn bộ sự việc vừa qua cho Huy nghe.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, vợ chồng Huy đang thu xếp, dọn dẹp hành lí để lát nữa ra sân bay về Bắc vì được chuyển công tác ra Bắc. Bỗng điện thoại có tín hiệu, anh vội cầm máy và lắng nghe giọng Bình có vẻ gấp gáp. Sau khi nắm được đầu đuôi chuyện nhà, Huy bảo bạn:
- Vợ chồng mình vô cùng cảm ơn Bình đã báo cho biết tin quan trọng, vợ chồng tôi đã được chuyển ra Bắc công tác từ tháng tới sẽ làm việc tại một chi nhánh của công ty ở Hà Nội, còn sáng mai Bình cứ coi bình thường, mang xe tới đón bà nhưng nhớ kéo dài thời gian ra để chờ bọn này từ sân bay về, tuyệt đối không được để lộ. Dặn dò Bình xong, quay lại báo cho vợ biết tin của Bình và đã căn dặn Bình kĩ càng mọi việc cho sáng mai. Nghe chồng nói vậy, Phương mới bình tĩnh lại được, liền nói với chồng:
- May quá, anh Bình báo kịp thời, nếu không thì thật là… mang tiếng với dân làng các con không nuôi nổi mẹ để mẹ phải vào trung tâm dưỡng lão.
Đúng hẹn, Bình đỗ xe ngay trước cổng, vội đi vào nhà chợt nhìn ra vườn, thấy bà Lâm đang xoa xoa tay lên tường nhà, ve vuốt những viên gạch vẻ đầy nuối tiếc. Thấy tiếng động, bà ngẩng lên nhận ra Bình, liền vội vã bước vào trong nhà chỉ vào 2 túi du lịch to đùng nói:
- Xong cả rồi, nhưng còn sớm anh ạ, tôi làm bát mì tôm cho anh ăn nhé?
Đang định nói tiếp thì bỗng dưng từ ngoài cổng ồn ào, tiếng chào, lời mừng vang lên. Thì ra dân làng chào mừng vợ chồng Phương-Huy từ trong Nam được chuyển ra Bắc công tác. Trong khi vợ chồng, 2 con trai, Bình lỉnh kỉnh chuyển hành lí xuống, thanh toán tiền xe xong, quay vào trong nhà. Từ nãy tới giờ, bà Lâm vẫn đứng ngẩn người ra chẳng hiểu vì sao mà vợ chồng Huy biết mà về đúng lúc này. Người dân trong làng biết tin kéo tới thăm.
Căn nhà trở nên đông vui nhộn nhịp. Huy-Phương cảm ơn sự quan tâm của mọi người, đã tới mừng, Huy nói:
Vợ chồng chúng cháu được cơ quan cho chuyển ra Hà Nội công tác, từ nay, không phải vào Nam nữa, như vậy có điều kiện để trông nom gia đình, cho mẹ chúng cháu khi tuổi đã xế chiều. Lúc đó người vui nhất có lẽ là Bình vì anh đã làm được việc mà vợ chồng Huy nhờ cậy. Bây giờ, bà Lâm thấy trong lòng thanh thản và hiểu tấm lòng của Huy người con rể hiếu nghĩa. Ngoài kia, mặt trời đã lên cao, tỏa nắng xuống ấm áp, xua tan đi cái lạnh giá của mùa Đông.
Truyện ngắn của Nam Dư