Tìm kiếm giải pháp chung cho “những thách thức đan xen”
Quốc tế 20/10/2023 16:08
Việc IMF và WB tổ chức hội nghị thường niên tại một nước châu Phi sau 5 thập niên phản ánh cam kết lâu dài của 2 thể chế tài chính này tại “Lục địa Đen”. Trong khuôn khổ hội nghị dài 1 tuần, các đại biểu đã thảo luận chuyên sâu về nhiều chủ đề như tạo việc làm, cơ sở hạ tầng kĩ thuật số, hành động vì khí hậu và các giải pháp thiết thực cho những thách thức toàn cầu đan xen.
Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, nền kinh tế toàn cầu “có khả năng phục hồi tốt nhưng bị thách thức trước tốc độ tăng trưởng yếu và sự phân hóa ngày càng sâu sắc”. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được IMF công bố tại hội nghị đánh giá, dù thế giới cho thấy khả năng phục hồi “đáng nể”, nhưng quá trình này diễn ra chậm và không đồng đều. Chậm vì tốc độ tăng trưởng 3% hiện thấp hơn nhiều so với mức trung bình của 2 thập niên trước đại dịch Covid-19; triển vọng tăng trưởng trung hạn cũng yếu nhất trong nhiều thập niên. Không đồng đều là bởi những cú sốc gần đây để lại những “vết sẹo” kinh tế với tính chất vô cùng khác nhau giữa các quốc gia, trong đó thị trường mới nổi và các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và WB ở Washington, DC, Mỹ, ngày 13-4-2023 |
Trong bối cảnh đó, việc IMF đạt được mục tiêu gây quỹ nhằm tăng nguồn vốn cho Quỹ tín thác tăng trưởng và giảm nghèo (PRGT) thêm 3 tỉ USD, cũng như triển vọng về một thỏa thuận tăng hạn ngạch đóng góp cho IMF là bước tiến vô cùng quan trọng và ý nghĩa tại hội nghị. Tổng Giám đốc Georgieva khẳng định, những khoản đóng góp được hoàn thành “sẽ cho phép IMF tiếp tục hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp bằng nguồn tài trợ lãi suất bằng 0 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của những quốc gia này”.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá việc tăng nguồn lực tài chính cho IMF là giải pháp cần, song chưa đủ để giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng nợ hiện nay tại các nước nghèo và đang phát triển. Tổng thư kí Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres từng cảnh báo hơn 52 quốc gia đang phát triển không có cách nào giảm bớt gánh nặng nợ nần và tiến gần đến tình trạng vỡ nợ. Khoảng 3,3 tỉ người sống ở những quốc gia mà số tiền chi trả lãi vay cao hơn ngân sách dành cho y tế hay giáo dục.
Nhiều nước nghèo đứng trước lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc tăng phúc lợi xã hội, hỗ trợ người dân. Do đó, Chương trình Phát triển LHQ và tổ chức Oxfam International kêu gọi giãn nợ cho các nước này, để họ dành khoản tiền trả nợ cho chi tiêu an sinh xã hội và ứng phó các cú sốc kinh tế vĩ mô…
Một kết quả nổi bật nữa tại hội nghị là việc các nước thành viên nhất trí trao cho khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi chiếc ghế thứ ba trong ban điều hành của IMF. Động thái này phản ánh nỗ lực của IMF trong thay đổi cơ cấu quản lí để nâng cao tiếng nói, quyền lợi chính đáng của các nền kinh tế nghèo và đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia đang đối mặt với vô vàn khó khăn như “Lục địa Đen”.
Tại hội nghị, IMF và WB cũng hối thúc các quốc gia thành viên tăng cường năng lực nhằm hỗ trợ các nước nghèo hơn chống lại đói nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhấn mạnh tầm nhìn của WB là xóa đói giảm nghèo nhưng “trên một hành tinh có thể sống được”, Chủ tịch WB Banga nêu bật sự cần thiết phải tìm kiếm giải pháp chung cho “những thách thức đan xen” gồm nghèo đói, đại dịch, tình trạng mất an ninh lương thực và biến đổi khí hậu…
Hàng loạt thách thức nổi cộm khó có thể giải quyết trong “một sớm một chiều” là lí do khiến Hội nghị mùa Thu của IMF và WB bế mạc mà không ra được tuyên bố chung. Dẫu vậy, sự kiện tại Marrakech là “tiếng gọi” thôi thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết để tìm ra giải pháp cấp bách cho những thách thức mang tính toàn cầu đang đe dọa làm chệch hướng “đoàn tàu” kinh tế thế giới...