Tìm đường ra cho lúa gạo thời Covid-19
Kinh tế 05/08/2021 11:24
Giảm giá để phục hồi xuất khẩu gạo
Báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, lũy kế XK gạo Việt Nam từ đầu năm đến giữa tháng 7/2021 đạt 3,326 triệu tấn, với trị giá XK đạt 1,805 tỉ USD, giảm 10,31% về lượng và 0,15% về giá trị so với cùng kì.
Tuy nhiên, nửa đầu tháng 7/2021 (thời điểm giá gạo Việt Nam được điều chỉnh giảm sâu và cạnh tranh hơn so với các đối thủ) XK gạo Việt Nam có mức tăng rất mạnh, đạt 297.897 tấn với trị giá 156,643 triệu USD, tăng 59,34% về lượng và 72,71% về giá trị so với cùng kì.
Dữ liệu thống kê của VFA cho thấy, trong vòng 5 tháng qua (giữa tháng 2/2021 đến nay), giá gạo XK loại 5% tấm của Việt Nam đã “rớt” trên 110 USD/tấn. Đây là mức giá giảm mạnh nhất nếu so với các đối thủ cạnh tranh trong mối tương quan cùng chủng loại và thời gian.
Tạo thuận lợi cho phương tiện thu mua lúa của nông dân |
Theo đó, nếu như thời điểm giữa tháng 5/2021, loại gạo này của Việt Nam được chào bán với giá 513-517 USD/tấn, thì cùng phân khúc được Ấn Độ chào bán với 398-402 USD/tấn, Pakistan là 448-452 USD/tấn và của Thái Lan là 480-484 USD/tấn.
Còn ở thời điểm hiện tại, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 400-404 USD/tấn, trong khi Ấn Độ và Pakistan chào bán giá 383-387 USD/tấn và của Thái Lan là 390-394 USD/tấn.
Như vậy, sau 5 tháng, giá chào XK gạo của Việt Nam đối với chủng loại 5% tấm đã giảm 113 USD/tấn, trong khi đó, giá chào của Ấn Độ giảm 15 USD/tấn, Pakistan giảm 65 USD/tấn và Thái Lan giảm 90 USD/tấn. So sánh với các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc và khoảng thời gian, thì gạo Việt Nam có mức giá giảm mạnh nhất và tiệm cận các đối thủ, chỉ cao hơn Thái Lan 10 USD/tấn. Việc giảm giá bán để tăng sức cạnh tranh và tạo động lực tiêu thụ lúa gạo trong nước được các hộ nông dân (trong đó có các hộ NCT) đồng tình cao vì tiêu thụ được lúa gạo trong tình hình dịch diễn biến phức tạp là lối thoát để thu hồi được vốn, tránh được thiệt hại do lúa quá thì, cất trữ khó khăn…
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi cho rằng, giá XK gạo Việt Nam được điều chỉnh giảm mạnh nhằm gia tăng sức cạnh tranh trước các đối thủ. Với sự chênh lệch giá bán quá lớn như thời gian qua, rõ ràng các nhà nhập khẩu phải tính toán lại. Còn với mức giá mới khá cạnh tranh với các đối thủ hiện nay, kì vọng XK Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ phục hồi trở lại và tiếp tục khởi sắc.
Tạo cơ chế “luồng xanh”, đẩy nhanh thu hoạch lúa hè thu
Việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL, đặc biệt là thu hoạch lúa vụ hè thu và xuống giống vụ thu đông 2021. Do vậy, cần giải pháp đồng bộ để giải phóng hàng hóa, tránh ùn ứ nông sản, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nông dân.
Tiến độ thu hoạch lúa hè thu 2021 ở ĐBSCL đang vào giai đoạn cao điểm tập trung. Việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu mua lúa của thương lái. Nếu không có hỗ trợ kịp thời, nông dân sẽ khó tiêu thụ trong điều kiện thời tiết thường xuyên có mưa, không có nơi dự trữ lúa.
Thương lái mua lúa nông dân. Ảnh Trọng Triết |
Đến nay, trong tổng diện tích tỉnh An Giang xuống giống là 228.479ha, diện tích thu hoạch mới đạt khoảng 15%. Dự kiến trong tháng 7, sẽ thu hoạch được 70.958ha, sản lượng 410.987 tấn; tháng 8, thu hoạch 105.420ha, sản lượng 611.404 tấn; tháng 9, thu hoạch 32.972ha, sản lượng 409.131 tấn. Như vậy, sẽ có khoảng 1,4 triệu tấn lúa hè thu được thu hoạch và cần tiêu thụ (chủ yếu là lúa tươi) trong thời gian tới. Trong đó, diện tích có hợp đồng với doanh nghiệp gần 19.200ha, còn lại hơn 200.000ha trông chờ vào thương lái và chủ yếu là thương lái ngoài tỉnh (Đồng Tháp, Long An, TP Cần Thơ…).
Với hơn 3.000ha cần thu hoạch mỗi ngày, toàn tỉnh cần khoảng 4.700 người/ngày có mặt thường xuyên trên đồng ruộng. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, khả năng di chuyển của con người, thiết bị thu hoạch và nông sản giữa các tỉnh giáp ranh bị trở ngại bởi qui định phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR, cách li… Số nhân công này lại đều là người làm thuê nên khó tự nguyện bỏ chi phí xét nghiệm Covid-19, nên càng thiếu hụt lực lượng vận hành máy móc, thu gom lúa.
Mặt khác, các thương lái, đơn vị thu mua, doanh nghiệp, các kho chứa đa phần nằm ngoài tỉnh An Giang. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, khả năng tỉnh sẽ thiếu doanh nghiệp, thương lái đến thu mua lúa, thiếu nhân công tham gia thu hoạch, vận chuyển về nhà máy chế biến. Thời tiết đang trong mùa mưa, lúa tươi nếu không được thu hoạch và tiêu thụ kịp thời sẽ bị giảm chất lượng rất nhanh.
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh cho phép người lao động tập trung dưới 20 người tại một địa điểm thu hoạch lúa, coi như hoạt động sản xuất. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ, ngành và các tỉnh ĐBSCL có giải pháp tháo gỡ lưu thông hàng hóa đường bộ và đường thủy liên tỉnh của vùng, bảo đảm khâu vận chuyển và tiêu thụ liên thông. Kịp thời thu mua lúa gạo cho bà con phần lớn là NCT để giảm bớt khó khăn. NCT cũng kiến nghị các bộ, ngành quan tâm hơn nữa để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như thu hoạch đúng thời kỳ để bảo đảm chất lượng lúa gạo.
UBND tỉnh An Giang hiện đã ban hành Kế hoạch 434/KH-UBND tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy trong tình hình dịch bệnh Covid-19.