Thức khuya ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ
Sức khỏe 04/10/2022 10:09
- Nếu thường xuyên phải thức khuya, sẽ khiến chúng ta luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, sa sút tinh thần, sức đề kháng cơ thể sẽ giảm xuống, dễ cảm cúm, viêm đường tiêu hoá, dị ứng da. Một ví dụ dễ nhận thấy nhất là nếu đêm trước chúng ta thức khuya thì ngay ngày hôm sau đi làm đầu óc sẽ căng thẳng, không tập trung được tư tưởng, thậm chí bị đau đầu.
- Khi thức khuya cơ thể dễ cảm thấy mỏi mệt, nên họ thường hay ăn đêm. Thế nhưng việc ăn đêm như vậy sẽ gây nguy cơ cho dạ dày. Đây cũng là điều khiến người ta lo ngại, bởi vì thường xuyên ăn vào ban đêm sẽ gây ung thư dạ dày. Nên nhớ là sức sống của các tế bào trên niêm mạc dạ dày không dài, bình quân khoảng 2-3 ngày lại tái tạo một lần. Quá trình này thường diễn ra vào ban đêm khi đường tiêu hoá được nghỉ ngơi. Nếu như thường xuyên ăn vào ban đêm, sẽ khiến cho đường tiêu hoá không được nghỉ ngơi, nên việc tái tạo tế bào niêm mạc dạ dày không thể diễn ra một cách thuận lợi. Hơn nữa, trong khi ngủ, những thức ăn ứ lại ở dạ dày trong thời gian dài sẽ khiến cho dung dịch dạ dày tiết ra nhiều, làm kích thích niêm mạc, lâu ngày dễ dẫn đến viêm loét dạ dày.
- Những người nghỉ ngơi không theo quy luật, tức là hay thức khuya, có muốn hồi phục sức khoẻ cũng không đơn giản như những người bình thường không thức khuya. Thực tế cho thấy, những người hay thức khuya tính tình thường nóng nảy và tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cũng tương đối cao. Lí do là bởi đồng hồ sinh học của cơ thể không chịu ảnh hưởng của ánh đèn và thời gian, nhất là những bộ phận nội tạng như, tim cũng không do ban ngày đã nghỉ ngơi nên tối có thể thức khuya. Vì vậy, nếu thường xuyên thức khuya sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
- Thường xuyên ăn sau 8 giờ tối, tức là ăn đêm. Trong cơ thể con người có hai loại thần kinh là thần kinh giao cảm và thần kinh giao cảm phụ. Khi ban ngày cơ thể hoạt động nhiều, thần kinh giao cảm sẽ giúp cho dạ dày co bóp mạnh, trợ giúp cho quá trình tiêu hoá và hấp thụ. Còn ban đêm, thần kinh giao cảm phụ lại hoạt động mạnh hơn trong lúc cơ thể được nghỉ ngơi, như vậy cũng góp phần tích luỹ chất dinh dưỡng đã hấp thụ trong cơ thể. Vì vậy, nếu như hay ăn vào ban đêm, không những gây khó ngủ, mà sáng hôm sau ăn cũng không ngon miệng. Cứ như vậy lâu dần sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng và dẫn tới tình trạng béo phì.
- Một số người thường chơi game, đi nhảy, đánh bài suốt đêm... nên thường bị thiếu ngủ. Mà thiếu ngủ sẽ khiến cho mạch máu luôn ở trong trạng thái căng thẳng, không cung cấp đủ máu cho tai giữa, ảnh hưởng rất lớn đến tính giác. Như vậy, nếu thường xuyên thức khuya có thể dẫn đến bị điếc tai.
- Thức khuya ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt. Thông thường là khoảng từ 10-11 giờ đêm da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, mà rối loạn hệ thống thần kinh sẽ khiến cho da bị khô, không có sức đàn hồi, bị sạm và không được mịn màng...
- Thức khuya cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nên nhớ rằng ban đêm hệ thần kinh giao cảm của con người sẽ nghỉ ngơi, vì ban ngày nó đã hoạt động rất mạnh để giúp con người làm việc và sinh hoạt. Nhưng những người thức khuya thì thần kinh giao cảm vẫn hoạt động mạnh vào ban đêm. Như vậy, ngày hôm sau chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, sa sút tinh thần, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, không thể tập trung được tư tưởng, phản ứng chậm, hay quên, chóng mặt, nhức đầu... Lâu ngày sẽ dẫn đến bị bệnh suy nhược thần kinh, mất ngủ...