Thời điểm vàng để ngăn ngừa nguy cơ đột qụy xảy ra
Sức khỏe 26/10/2023 11:26
Đại tá, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Kim Lưu - nguyên Giám đốc Trung tâm U Bướu và Y học hạt nhân cho biết, thời điểm vàng để ngăn ngừa nguy cơ đột qụy được phân ra là từ khi bắt đầu có dấu hiệu đột qụy - tức là trong vòng 4h30 phút là thời gian vàng, bởi vì thời gian này có thể sử dụng các thuốc làm tan cục máu đông mà không cần phải can thiệp gì cả, có thể hồi phục hoàn toàn hoặc người ta có thể sử dụng các thiết bị để lấy cục máu đông ra.
Thời gian thứ 2 là từ 4h30-6h, sau khi bị đột qụy thì trong khoảng thời gian này người ta có thể sử dụng các thiết bị để lấy cục máu đông ra khỏi vùng tắc nghẽn để cứu sống não thiếu máu.
Nói tóm lại là từ 0-6h được cho là khoảng thời gian vàng đối với người đột qụy. Nhưng thực tế chỉ có 5% số bệnh nhân đột qụy đến được bệnh viện trong khoảng thời gian này để chữa trị kịp thời do sự chủ quan, thiếu kiến thức – một tỉ lệ rất thấp.
Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa đột qụy bằng các phương pháp như:
Tăng cường tập thể dục: Đóng góp vào việc giảm cân, giảm huyết áp và phòng ngừa đột qụy, nhưng phải duy trì thường xuyên mới có hiệu quả. Nên tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 5 ngày một tuần. Không nhất thiết phải có chế độ và bài tập gì cao siêu. Hãy thực hiện đi bộ quanh khu nhà mỗi sáng; tập thể dục với bạn bè, theo nhóm. Đi cầu thang bộ thay vì thang máy khi bạn có thể. Khi tập thể dục bạn chỉ nên gắng sức ở mức độ nhất định. Ở người lớn khỏe mạnh cần tập thể dục thể thao tăng cường nhịp hô hấp, nhịp tim cường độ trung bình đến mạnh ít nhất 40 phút/ngày, 3-4 ngày/tuần. Nếu không có 30 phút liên tục để tập thể dục, hãy chia thành các buổi 10-15 phút một vài lần trong ngày.
Hạ huyết áp: Tăng huyết áp là một yếu tố làm tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp 4 lần nguy cơ đột qụy nếu không kiểm soát được. Vì thế kiểm soát huyết áp vô cùng quan trọng trong phòng ngừa đột qụy. Hạn chế muối và thực phẩm có chứa hàm lượng muối cao, cần giảm tối đa lượng muối cho vào thực phẩm, hạn chế sử dụng các đồ ăn được chế biến sẵn vì các đồ ăn này thường chứa hàm lượng muối cao. Lượng muối < 2.300mg/ngày cho người bình thường và < 1.500mg/ngày cho bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mãn và = 51 tuổi.
Chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả cung cấp nhiều kali có lợi và có thể giảm nguy cơ đột qụy. Những thức ăn giàu kali như: chuối, khoai lang, khoai tây, cà chua, các loại đậu...Thực hiện chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả và sản phẩm làm từ sữa ít chất béo, giảm mỡ bão hòa được khuyến cáo để hạ huyết áp.
Bổ sung nhiều thực phẩm chứa chất omega - 3 là một axit béo có lợi cho sức khỏe giúp ngăn ngừa đột qụy. Mỗi tuần vài 3 lần thu nhận axit béo hệ omega-3 từ cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích, cá thu, các loại quả và hạt như quả óc chó... sẽ có tác dụng rất tốt để bảo vệ mạch máu.
Nên ăn nhiều thực phẩm có chất xơ có trong các nguồn thực phẩm như trái cây, rau xanh, ngũ cốc, các loại đậu...
Ngoài ra, những người có tiền sử cao huyết áp cần chú ý dùng thuốc giảm huyết áp theo chỉ định của thầy thuốc đều đặn hằng ngày để kiểm soát huyết áp phòng ngừa đột qụy.
Kiểm soát đồ uống có cồn: Sự liên quan giữa rượu và não rất phức tạp. Rượu được báo cáo hiệu quả chống xơ vữa động mạch, kháng viêm và liên quan cải thiện cholesterol, chức năng tiểu cầu và đông máu, nhạy cảm insulin và giảm thấp nguy cơ cả đột qụy thiếu máu và xuất huyết.
Tuy nhiên cần phải biết tiết chế: Nam có thể uống = 2 li/ ngày và phụ nữ không có thai = 1 li /ngày có thể hợp lí. Ngược lại nếu uống rượu nhiều thì sẽ gia tăng nguy cơ đột qụy xuất huyết và làm nặng hơn thiếu máu não dẫn đến đột qụy. Bên cạnh đó, việc lạm dụng nhiều loại ma túy sau đó là rượu có liên quan đến cả đột qụy thiếu máu và xuất huyết
Một khi bạn uống nhiều hơn 2 li rượu mỗi ngày, nguy cơ đột qụy của bạn sẽ tăng lên. Do đó đừng uống rượu hoặc nếu có uống thì phải uống có kiểm soát. Hãy lựa chọn rượu vang đỏ thay vì rượu nặng.
Điều trị rung nhĩ: Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp và dẫn tới nguy cơ đột qụy cao. Nếu có các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực, nhịp tim rối loạn lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh lúc yếu hãy tới bác sĩ để khám và được điều trị.
Điều trị đái tháo đường: Bạn nên giữ đường huyết trong mức kiểm soát. Đường huyết cao sẽ hủy hoại mạch máu và dễ hình thành các cục máu đông trong lòng mạch gây đột qụy. Theo dõi đường huyết thường xuyên. Tuân thủ chế độ ăn kiêng, tập thể dục và thuốc để giữ mức đường huyết trong mức cho phép là cách để phòng ngừa đột qụy.
Tránh xa thuốc lá: Hút thuốc làm tăng sự hình thành cục máu đông, xơ vữa động mạch. Cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn, việc dừng hút thuốc lá là một trong những thay đổi lối sống mạnh mẽ nhất sẽ giúp bạn giảm nguy cơ đột qụy đáng kể. Tránh hút thuốc với người chưa hút và ngưng hút thuốc với người đang hút. Nên cấm hút thuốc ở nơi công cộng để phòng ngừa đột qụy và nhồi máu cơ tim.
Đối với những người đã từng bị đột qụy, cần phải đặc biệt lưu ý những điều như trên và thận trọng hơn. Người nhà cần theo dõi sát vì dễ bị đột qụy lại. Thường xuyên theo dõi sức khỏe định kì và dùng thuốc theo chỉ định, khi thấy bất thường trong cơ thể cần đi khám ngay.
Nói tóm lại, bên cạnh các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi gây đột qụy như tuổi, giới, chủng tộc, sinh thiếu cân (<2.500g), tiền sử gia đình đột qụy/thiếu máu não thoáng qua (cả cha hay mẹ), tai biến mạch máu não hoàn toàn có thể dự đoán, với các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ phòng ngừa đột qụy.