Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để Thủ đô phát triển
Kinh tế 03/06/2020 09:32
Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách TC-NS đặc thù đối với TP Hà Nội trên cơ sở:
Kết luận của Ủy ban TVQH tại Phiên họp 44 về nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải bảo đảm khả năng trả nợ. Cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của TP để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng. Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội. Cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công. Cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương. Giao cho Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP quyết định cơ cấu ngân sách sử dụng cho giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ.
Đề xuất của UBND TP Hà Nội bổ sung thêm 3 nội dung: HĐND TP quyết định một số khoản thu phí (ban hành danh mục, tăng mức); Ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; Ngân sách TP được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách TC-NS đặc thù sẽ tạo động lực cho TP Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn; có điều kiện sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đã có và huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông, ngập úng; Về cơ bản, không ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội phê chuẩn; không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách Nhà nước và nợ công, không ảnh hưởng đến phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ và các địa phương và có tác động tích cực đến việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch TC-NS Nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP Hà Nội và cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Vũ Hồng Thanh cho rằng: Việc Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lí trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh), hiện nay có một số trụ sở của các bộ, ngành đã được Hà Nội giao đất xây dựng trụ sở mới nhưng không chịu di chuyển, bàn giao trụ sở cũ nên đã làm khó cho TP trong việc quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Về vấn đề quản lí thu ngân sách nhất trí giao cho HĐND TP Hà Nội được áp dụng một số cơ chế đặc thù, nhưng không nên khống chế 1,5 lần một số danh mục như phí và lệ phí… Tất cả những việc chúng ta cho phép thì cũng đã theo Luật. Việc nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng như phòng cháy chữa cháy, cải tạo môi trường… cũng nên làm để bộ mặt đô thị đẹp hơn”.
Việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để Thủ đô phát triển, làm thí điểm để tổng kết đánh giá, tăng quyền phân cấp cho địa phương. Ủy ban TVQH sẽ bổ sung nội dung này để trình ra Kì họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Thời điểm thực hiện Nghị quyết là 5 năm, trừ khi có cơ chế mới của Quốc hội về một vấn đề nào đó, hoặc khi có thay đổi của Luật Thủ đô.