Thay đổi cách tiêu thụ vải thiều, nông dân thắng lớn
Xã hội 03/07/2021 08:20
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến việc tiêu thụ vải thiều gặp nhiều khó khăn do thương lái (chủ yếu là người Trung Quốc) không sang vườn trực tiếp thu mua, nên năm nay ông Trần Huy Thành quyết định chuyển hướng sang sấy vải khô bán. Trung bình mỗi ngày ông bán được 7 - 8 tấn vải khô.
Ông Thành cho biết, thời gian sấy một mẻ vải dao động từ 5 - 6 ngày, tùy theo quy trình sấy của từng chủ lò. Một mẻ vải thiều sấy đạt yêu cầu là quả vải phải có màu sắc đồng đều, vị ngọt sắc, dẻo và mùi thơm đặc trưng. Ông thu mua vải tươi với giá 5 - 6 nghìn đồng/kg, sau đó sấy khô, đóng hộp chuyển thẳng lên Lạng Sơn bán cho thương lái với giá từ 30 - 50 nghìn đồng/kg tùy loại. Mùa vụ năm nay, nhà ông sấy được hàng trăm tấn vải khô (01kg vải khô cần 3,6kg vải tươi), sau khi trừ chi phí, nhân công, thu lãi được đôi ba trăm triệu đồng.
Ông Trần Huy Thành lựa vải trước khi đem sấy |
Tương tự như hộ ông Trần Huy Thành, hộ ông Hoàng Văn Nam (65 tuổi, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn) làm nghề sấy vải đã hơn 10 năm. Ông Nam chia sẻ, vải nhà ông năm nay được mùa, nhưng lường trước sẽ khó tiêu thụ, nên trước thời điểm thu hoạch, gia đình ông đầu tư hơn 200 triệu đồng xây lại lò cũ diện tích 80m2 và xây thêm lò mới hơn 70m2, tổng sàn sấy 2 lò đạt hơn 400m2. Vì vậy, vụ này nhà ông sấy khoảng 120 tấn vải khô và được UBND huyện hỗ trợ 6 triệu đồng xây lò. Đây là động lực để các chủ lò tham gia tiêu thụ sản phẩm.
Trước đó, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, vụ vải này tỉnh xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ. Trong đó dự kiến tình huống xấu nhất khi dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi đó tỉnh sẽ hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải tại thị trường trong nước lên đến 80 nghìn tấn, có 20 nghìn tấn vải được sấy khô… Để bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho các chủ lò sấy vải trên địa bàn, UBND huyện liên kết với các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh cung ứng than, củi làm nguyên liệu, bảo đảm chất lượng đưa đến tận hộ có nhu cầu.
Vải sau khi sấy xong |
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, hiện tại trung bình mỗi ngày toàn huyện thu hoạch hơn 6 nghìn tấn vải thiều tươi, chủ yếu là vải chính vụ của 6 xã trên đèo như Sơn Hải, Hộ Đáp, Kim Sơn, Phong Vân… và một số xã vùng thấp. Đến nay sản lượng vải đã tiêu thụ 122 nghìn tấn, trong đó lượng vải xuất khẩu hơn 36,57 nghìn tấn. Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 32,2 nghìn tấn; Campuchia, Lào, Malaysia, đạt hơn 4,24 nghìn tấn, cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, một số lượng khá lớn vải thiều được tiêu thụ tại nhiều thị trường khác.
Mùa vải thiều năm 2021, mặc dù điều kiện thu hoạch và tiêu thụ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Bắc Giang vẫn duy trì tốt thị trường truyền thống Trung Quốc và xúc tiến đưa vải sang nhiều thị trường mới như: Mỹ, Châu Âu (EU), Lào, Campuchia…; tiếp tục chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản.
Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, vải thiều Bắc Giang cũng đã đại diện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu sang EU qua mô hình “thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng số của Việt Nam, do người Việt Nam vận hành. Hiện nay vải thiều của Việt Nam đang được bán tại các nước Châu Âu, Úc, Nhật Bản… với giá từ 340.000 - 450.000 đồng/kg. Ngoài số lượng xuất khẩu nêu trên, 60% vải thiều được tiêu thụ trong nước với số lượng khoảng 85,15 nghìn tấn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho hay, hiện nay vải thiều chính vụ của huyện còn khoảng 15 nghìn tấn, chủ yếu ở 6 xã trên đèo. Huyện đang lập kế hoạch hỗ trợ người dân vùng cao thu hoạch nốt số vải còn lại và hỗ trợ người trồng vải tiêu thụ thông qua thương mại điện tử và các siêu thị, chợ dân sinh trên cả nước