Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử
Kinh tế 31/12/2024 10:09
Đáng chú ý, tốc độ phát triển TMĐT của Việt Nam đứng thứ 3 châu Á với mức tăng trưởng 20 - 30%. Khoảng 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được đưa ra thị trường thế giới. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đã tham gia sân chơi mới này.
Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm nhiều hơn đến TMĐT. Ngoài kế hoạch phát triển TMĐT với 1 triệu doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, các đơn vị đã có nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia bán hàng xuyên biên giới, đào tạo nhân lực số và phối hợp với các đơn vị khác Amazon, Alibaba… giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả bán hàng xuyên biên giới.
Đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp Việt, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, sở hữu kinh nghiệm sản xuất, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhiều ngành hàng xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam liên tục mang đến những sản phẩm chất lượng, độc đáo, góp phần mở rộng lựa chọn sản phẩm cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới.
Ảnh minh hoạ |
Amazon ghi nhận, 5 năm qua số lượng doanh nghiệp Việt bán hàng trên sàn tăng 300%, số lượng doanh nghiệp bán hàng đạt doanh thu 1 triệu USD/năm, tăng gấp 10 lần. Với nỗ lực chung tay của các cơ quan Chính phủ, Hiệp hội ngành hàng cùng Amazon Global Selling Việt Nam kì vọng sẽ góp phần tạo lực đẩy đưa TMĐT xuyên biên giới trở thành lực bật cho nền kinh tế số Việt Nam.
Thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, ngành thương mại đang triển khai nhóm giải pháp xây dựng thị trường TMĐT. Trong đó, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, tăng cường hoạt động giám sát tạo ra môi trường phát triển lành mạnh cho doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai chuỗi các hoạt động liên kết vùng trong phát triển TMĐT; đào tạo nâng cao năng lực quản lí nhà nước về TMĐT cho các địa phương; quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương trên sàn TMĐT và các nền tảng số.
Chia sẻ về việc bắt đầu tham gia TMĐT toàn cầu, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc CVI Pharma cho rằng, đây là thời điểm vàng để tham gia TMĐT toàn cầu.
Thời gian qua, công ty đã bắt đầu nhận thấy mô hình bán hàng truyền thống cồng kềnh nên đã thay đổi mô hình kinh doanh và đầu tư nguồn lực con người để hướng đến thị trường TMĐT xuyên biên giới đầy tiềm năng.
“Bắt đầu bán hàng qua sàn TMĐT đi các nước từ đầu năm 2024 và doanh nghiệp đã nhận được tín hiệu tích cực với kênh phân phối này. Hiện, đơn vị ghi nhận có hàng chục nghìn đơn hàng, doanh số đạt khoảng 20.000 USD/tháng. Tuy doanh số bán hàng trên TMĐT xuyên biên giới của doanh nghiệp còn khá khiêm tốn nhưng tôi hi vọng sẽ có con số doanh thu lớn hơn. Bởi doanh nghiệp đang được tổ chức bán hàng khá bài bản, đồng thời nhận được nhiều lời khen từ người tiêu dùng các nước”, ông Phan Văn Hiệu bày tỏ.
Tuy nhiên, theo ông Hiệu, quá trình kinh doanh trên sàn TMĐT nói chung hay tại một sàn TMĐT quy mô rất lớn như Amazon đòi hỏi rất nhiều yếu tố mà doanh nghiệp phải đáp ứng. Lấy ví dụ, sẽ không có chuyện khách hàng dễ dàng chấp nhận sản phẩm ngay qua quảng cáo mà cần cả một quá trình giới thiệu, sử dụng và tin tưởng để nhận về đánh giá tin cậy từ người dùng. Những đánh giá này là thử thách nhưng cũng sẽ là lời khẳng định giúp những nhãn hàng hoặc sản phẩm có chất lượng có được vị trí của mình.
Ngoài ra, mặc dù doanh số TMĐT của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc nhưng mức độ tham gia xuất khẩu qua TMĐT của doanh nghiệp còn hạn chế. Lí do, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỉ lệ lớn, tuy nhiên nhóm này lại chưa xây dựng được thương hiệu một cách bài bản mà hay bị rời rạc, khó nhận biết. Nước ta hiện có rất nhiều đặc sản theo vùng miền mà TMĐT xuyên biên giới sẽ giúp nhà sản xuất nhỏ lẻ đó có cơ hội tham gia trực tiếp vào khâu bán hàng nhưng nhiều đơn vị chưa thể tận dụng để tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp.