Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản
Kinh tế 09/09/2021 08:36
Bức tranh còn ảm đạm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau hơn một tháng các doanh nghiệp 19 tỉnh, thành phía Nam hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động “3 tại chỗ”, kết quả xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 giảm rất sâu, phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản.
Theo đó, trong tháng 8, xuất khẩu thủy sản chỉ khoảng 520 triệu USD, giảm 36% và ở hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm sâu. Trong tháng 8/2021, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35% - 40% so với cùng kì năm 2020.
Hiện diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn còn căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai và Bình Dương), trong khi việc triển khai tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế và không đồng đều.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, thiếu nguyên liệu sản xuất không bảo đảm tiến độ giao hàng, các khâu vận chuyển, thủ tục xuất - nhập khẩu bị chậm trễ ách tắc, chi phí đầu vào và vận tải tăng… Hàng loạt khó khăn chồng chất do bùng phát dịch Covid-19 đang là gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, ảnh hưởng đến việc thực hiện đơn hàng xuất khẩu.
Chế biến cá tra |
Theo nhận định của VASEP, hiện nay, một số tỉnh Nam sông Hậu, như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… kiểm soát dịch bệnh tốt và linh hoạt nên tình hình sản xuất sẽ hồi phục sớm hơn. Đây là những tỉnh trọng điểm về sản xuất và xuất khẩu tôm, do vậy mặt hàng tôm được kì vọng sẽ giúp hạn chế mức sụt giảm mạnh xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm.
Sản xuất và chế biến cá tra tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc sông Hậu, vẫn đang nặng nề vì sản xuất “3 tại chỗ”, hơn một nửa các nhà máy phải đóng cửa, tình hình xuất khẩu cá tra khó cải thiện trong tháng tới.
Với thực trạng trên, bức tranh sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 được VASEP dự báo sẽ vẫn ảm đạm, giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD. Tuy nhiên, nếu kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vaccine, các công ty không phải sản xuất “3 tại chỗ”, xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể xuất khẩu đạt được 8,5 - 8,6 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm dự báo đạt 3,9 - 4 tỉ USD, cá tra 1,5 tỉ USD, xuất khẩu hải sản 3,1 tỉ USD.
Nỗ lực tháo gỡ
VASEP cho rằng, với ngành thuỷ sản, nếu không khôi phục vào tháng 9/2021 thì sẽ có nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi, không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi. Riêng nuôi trồng thủy sản nếu không kịp khôi phục sản xuất, nguyên liệu tôm, cá... sẽ ứ đọng, nông dân vô cùng khó khăn. Do đó, mục tiêu nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh phải trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9.
Góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh đại dịch Covid-19, VASEP đề xuất: Dùng bảo hiểm xã hội để trả lương cho người lao động. Dừng thu phí, điều chỉnh giảm phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển, khu công nghiệp. Giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến, nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị UBND các địa phương phía Nam thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, quan tâm, động viên các doanh nghiệp và chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và giám sát việc tuân thủ mô hình sản xuất “3 tại chỗ", “một cung đường - 2 địa điểm” theo nguyên tắc ưu tiên bảo đảm sức khoẻ, tính mạng của người lao động là trước hết và trên hết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, chỉ đạo ngành chức năng liên hệ từng doanh nghiệp đang gặp khó khăn trên địa bàn, hỗ trợ tháo gỡ và vận chuyển nguyên vật liệu, bố trí nhân công duy trì sản xuất, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng chống dịch tại các doanh nghiệp để bảo đảm mục tiêu vừa duy trì sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vừa bảo đảm phòng chống dịch.
Thứ ba, ưu tiên hướng dẫn xét nghiệm và tiêm vaccine cho công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, các đầu mối/thương lái thu gom thủy sản nhằm giảm đi lại, chi phí dịch vụ, duy trì sản xuất trước mắt và lâu dài, ổn định chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá về những thách thức mới đối với ngành thủy sản do đại dịch Covid-19 gây ra, đang ảnh hưởng rất nhiều đến các công ty sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại tại thị trường EU là rất khả thi.
Điều này cho thấy cần có những giải pháp hợp lí, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7 - 9% và đạt 16 - 18 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030./.
Hi vọng rằng, với nỗ lực chung của Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu thủy sản sẽ sớm phục hồi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất, chế biến thủy sản, nhất là các hộ nông dân, trong đó có nhiều hộ người cao tuổi.