Nguồn vốn nào cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh?
Kinh tế 28/11/2024 09:19
Tại Việt Nam, dù đã và đang nói đến ESG nhưng mới chỉ ở bề nổi, chưa đặt ra nhiều góc nhìn đa chiều cả về lợi ích và thách thức. Nhà nước ngoài sự hỗ trợ phải có các luật liên quan ESG, như: Luật chống tẩy xanh để bảo vệ các doanh nghiệp tử tế, đầu tư bài bản cho ESG.
Trong thực tế, doanh nghiệp của Việt Nam đại bộ phận là nhỏ và vừa, cho nên nguồn lực và điều kiện có những giới hạn nhất định. Để thực hiện chuyển đổi xanh thì phải có nguồn vốn để đầu tư, không ai cho không cả.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư đó, doanh nghiệp phải vận dụng một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn từ nhiều nguồn. Nguồn đầu tiên chính là nguồn lực tự thân. Doanh nghiệp cần tự cân đối trong dòng vốn của mình như một khoản đầu tư để phát triển bền vững, để duy trì hoạt động.
Nguồn thứ hai là từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất đã được áp dụng nhưng chương trình này có hạn chế là chỉ dành cho những doanh nghiệp đăng kí kinh doanh và hoạt động tại TP Hồ Chí Minh.
Thứ ba là từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, để thu hút được đòi hỏi doanh nghiệp phải có thương hiệu, có uy tín, có quy mô khá lớn.
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã luôn tiên phong đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh, với dư nợ đạt trên 665.000 tỉ đồng, chiếm trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Kết quả này tăng 7,11% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).
Ngoài ra, NHNN cũng cho biết, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 22,33% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.
NHNN có nhiều giải pháp, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo liên quan tới nội dung ESG... Điều này cho thấy trách nhiệm của ngành ngân hàng trong thực hành ESG góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Đồng thời có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng. Mặc dù có nhiều nỗ lực, song kết quả trên cho thấy, đến nay tỉ lệ tín dụng xanh trong tổng dư nợ toàn ngành còn thấp.
Các khoản tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, trong khi các tiêu chí đánh giá vẫn phụ thuộc vào tiêu chuẩn riêng của từng ngân hàng thay vì dựa trên các thông lệ quốc tế.
Việc không có tiêu chuẩn rõ ràng dẫn đến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đánh giá độ an toàn và tính minh bạch của các khoản đầu tư vào tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Hơn nữa, thiếu tiêu chí cụ thể còn làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của các dự án thực sự thân thiện với môi trường, cũng như không thể duy trì tính nhất quán trong các quyết định tài trợ từ phía ngân hàng và tổ chức tài chính…
Vì vậy, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn định lượng đo lường mức độ tuân thủ ESG, với các tiêu chí cụ thể như khả năng giảm phát thải khí CO2, tính hiệu quả trong việc quản lí tài nguyên, tác động tích cực đến cộng đồng và việc thực thi các chuẩn mực quản trị minh bạch…
Chẳng hạn, một dự án có thể được coi là đạt tiêu chuẩn môi trường của ESG nếu giảm ít nhất 30% phát thải khí nhà kính so với tiêu chuẩn ngành, tích cực cải thiện phúc lợi xã hội và duy trì quy trình quản trị rõ ràng, minh bạch.