Thành cổ Quảng Trị - vết tích của đau thương và hào hùng
Đời sống 10/07/2024 11:04
“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ”
Tôi chưa từng nghĩ một ngày nào đó sẽ đứng bên bờ sông Thạch Hãn, đọc mấy câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương: Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm. Cho đến một ngày tôi tự tay thả những nhành hoa cúc trắng xuống dòng sông ấy, nơi mà trong “Mùa Hè đỏ lửa” năm 1972 đã nhuộm đỏ màu máu của các chiến sĩ Giải phóng, nơi từng được mệnh danh là “cối xay thịt” trong sự kiện 81 ngày đến chiến đấu với quân lực Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà để bảo vệ Thành cổ.
Thả vòng hoa trên sông Thạch Hãn tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên dòng sông. |
Bến thả hoa nằm bên bờ sông Thạch Hãn, là nơi để người từ khắp nơi về đây thả hoa xuống dòng sông, thắp nén hương tưởng niệm người nằm xuống. Đất nước hoà bình, song vẫn còn bao người vẫn nằm lại dưới lớp sóng kia. Bao người mẹ mất con, vợ mất chồng vẫn âm thầm đứng bên bờ sông để mường tượng ra bóng hình người chiến sĩ ngã xuống vì Tổ quốc. Tôi thắp nén hương lòng tri ân người nằm xuống, những chiến sĩ năm nào đã hiến dâng bầu máu nóng của mình cho đất nước, quê hương.
Chứng tích của một thời kì đau thương
Được mệnh danh là “nấm mồ chung”, có lẽ Thành cổ Quảng Trị là nghĩa trang duy nhất không có nấm mồ nào cụ thể. Bước qua cổng Thành cổ, một cảm giác xúc động dâng lên trong tôi. Ngồi trên xe điện đi một vòng trong Thành cổ, được chị hướng dẫn viên kể chuyện về một thời máu lửa đã qua bằng chất giọng của người Quảng Trị, những thước phim “Mùi cỏ cháy” năm nào bất chợt hiện lên trong tôi. Nhất là khi chị đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Tấc đất Thành cổ” của cựu chiến binh Phạm Đình Lân: Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay mạnh cành cây - Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào. Nghẹn ngào thật, bởi mỗi tấc tôi đi qua hôm nay đều có máu xương của người nằm xuống.
Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị. |
Trong chiến tranh, Thành cổ Quảng Trị có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự. Nếu quân lực Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà chiếm được Thành cổ Quảng Trị, nơi đây sẽ trở thành “chốt chặn” ngăn cản hành trình quân ta tiến công vào phía Nam, cứu vãn chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” đang trên đà suy thoái. Trước âm mưu chiếm lại thị xã Quảng Trị, cắm cờ lên Thành cổ trước ngày 10/7/1972 và hành động ném bom chiến lược B52, kết hợp không quân và hải quân chi viện hoả lực khủng bố ác liệt mảnh đất Quảng Trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tư lệnh chỉ thị biện pháp đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh ngoại giao, chuyển từ thế tiến công sang phản công nhằm đánh tiêu hao sinh lực địch, giữ vững vùng giải phóng. Mặc dù quân lực Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà điên cuồng đánh phá, sử dụng những loại vũ khí hiện đại, tối tân, có sức công phá tàn khốc nhất như bom phá, bom napan, bom lân tinh, bom bi, bom bảy tấn, bom laser, chất độc hoá học, hơi ngạt, pháo hạm, pháo mặt đất... nhưng các chiến sĩ Giải phóng vẫn kiên cường bám trụ, bảo vệ từng tấc đất Thành cổ. Sau 81 ngày đêm chiến đấu, tình hình Quảng Trị ngày càng căng thẳng, hoả lực của địch quá mạnh và tỉ lệ thương vong rất lớn, quân ta được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn vào đêm 16/9/1972.
Bao người đã ngã xuống, một “nấm mồ chung” được dựng lên ở trung tâm Thành cổ. Đài tưởng niệm được thiết kế theo hình bát giác, với bốn lối đi lên, tổng cộng 81 bậc thang tượng trưng cho 81 ngày đêm các chiến sĩ đã chiến đấu căng thẳng, với bao mất mát hi sinh, một tầng dâng hương được thiết kế theo kiểu mái đình cách điệu, với biểu tượng ngọn đèn hướng thẳng lên bầu trời, giữa ngọn đèn là ba tầng mây, phía dưới là hình ảnh của những bát cơm úp vào nhau để tưởng niệm những chiến sĩ hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi đứng trên tầng dâng hương của đài tưởng niệm, không phải vì khói hương nhưng mắt tôi vẫn cay sè. Thế hệ những người lính năm xưa đã ngã xuống cũng trạc tuổi tôi bây giờ, có người còn trẻ hơn cả tôi, đã xách ba lô lên đường, dũng cảm chiến đấu và vĩnh viễn không trở lại. Mùa hè năm nay Thành cổ vẫn rực rỡ sắc hoa phượng, cỏ vẫn xanh và trời Quảng Trị vẫn trong, song những chiến sĩ quả cảm năm xưa đã trở thành người thiên cổ mất rồi!
Về thăm di tích, tôi thấy mình càng thêm tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc. Những chuyến “về nguồn” giúp tôi thêm yêu Tổ quốc mình, càng quý trọng nền hoà bình hiện tại bởi cái giá của hoà bình thật đắt, là máu xương, là nước mắt, là những hi sinh mất mát của bao người.