Tái hiện lễ thượng nêu ngày Tết ở Di sản Thành nhà Hồ
Du lịch 22/01/2025 07:41
Lễ Thượng nêu (còn gọi là lễ Thượng tiêu, dựng nêu) là phong tục truyền thống của người Việt, báo hiệu một năm mới bắt đầu. Lễ Thượng nêu thường diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp, và khi hạ cây nêu cũng là lúc người nông dân xuống đồng cày cấy vào mùng 7 tháng Giêng.
Tái hiện nghi lễ thượng nêu ngày Tết ở Di sản Thành nhà Hồ. |
Hình ảnh cây nêu từ bao đời nay đã được xem là biểu tượng thiêng liêng nhất của người Việt vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trong các triều đại quân chủ Việt Nam, tục dựng cây nêu được đưa vào hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Nghi lễ thượng nêu thể hiện sự cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi phát triển, người dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Theo điển lệ, khi thấy cây nêu lấp ló trên những bức tường thành của hoàng cung xưa, các nhà dân mới bắt đầu dựng cây nêu cúng thần linh, tổ tiên và vạch vôi trừ ma quỷ. Ngày giờ dựng nêu của dân chúng sau định lệ của triều đình.
Trong các triều đại phong kiến, lễ thượng nêu thể hiện sự cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. |
Trong khi đó, tục thả cá chép ngày Tết ông Công ông Táo là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Theo quan niệm của người xưa, ông Công ông Táo không chỉ là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.
Xuất phát từ ý nghĩa tốt đẹp đó, những năm qua Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã nghiên cứu, tái hiện lại nghi lễ thượng nêu nhằm mang đến cho nhân dân, du khách và các em học sinh những trải nghiệm sinh động về văn hóa truyền thống của người Việt xưa. Đồng thời, thông qua hoạt động này cũng góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp Tết đến Xuân về.
Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cũng tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi mùa hè bên di sản với chủ đề “Rực rỡ Cố đô”. Đây là hoạt động ý nghĩa trong chương trình Giáo dục Di sản năm 2024 do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phối hợp với Trường THCS Tây Đô tổ chức.
Những năm qua, lễ thượng nêu được tái hiện ở Di sản Thành nhà Hồ. |
Cuộc thi là hoạt động ý nghĩa trong chương trình Giáo dục Di sản năm 2024, nhằm góp phần đẩy mạnh các hoạt động “Hướng về cội nguồn” và mô hình “Trường học gắn với Di sản văn hóa”. Đồng thời, tạo mối tương quan giữa di sản với nhà trường, tổ chức các chương trình giáo dục lý thú, sáng tạo, giúp học sinh chủ động khám phá tìm hiểu di sản trên quê hương.
Thông qua cuộc thi nhằm giáo dục truyền thống, bồi dưỡng thêm kiến thức về lịch sử địa phương và phát huy tính sáng tạo của học sinh. Từ đó, giúp các em học sinh có thêm những trải nghiệm thú vị cũng như có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Sau 3 tháng phát động cuộc thi, đơn vị nhận được nhiều tác phẩm dự thi của học sinh Trường THCS Tây Đô. Hầu hết các video ảnh dự thi giới thiệu về vùng di sản Thành nhà Hồ đã thu hút đông đảo sự quan tâm, ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các em học sinh với nhiều ý tưởng sáng tạo, làm sinh động thêm chủ đề “Rực rỡ Cố đô”.
Ngoài thực hiện lễ Thượng nêu, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ còn tổ chức lễ thả cá chép Tết ông Công ông Táo. |
Đặc biệt, các bài dự thi đều được đơn vị đăng tải lên trên fanpage Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ và tuyên truyền rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ.