Tái hiện chợ phiên vùng cao của đồng bào các dân tộc
Nhịp sống văn hóa 02/04/2021 16:06
Theo đó, từ ngày 27 đến 29/4, Vụ Văn hóa dân tộc sẽ phối hợp với Ban Quản lí Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức Lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn Chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây cũng là chuỗi các hoạt động nhằm tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.4); kỉ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Chợ vùng cao Bắc Hà - Lào Cai |
Tham gia lớp tập huấn là 60 học viên là nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, đồng bào dân tộc thiểu số. Các học viên sẽ được các báo cáo viên là chuyên gia, nhà quản lí trình bày 4 chuyên đề về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn Chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số từ truyền thống đến hiện tại; Chợ phiên đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trước thách thức của kinh tế thị trường; Phương thức bảo tồn và xây dựng mô hình Chợ phiên đặc trưng của đông bào dân tộc thiểu số.; Thực tế tái hiện ngoài trời về mô hình Chợ phiên của đồng bào vùng cao.
Đây là hoạt động nhằm giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa độc đáo mang đặc trưng của đồng bào vùng cao, tăng cường, quảng bá, phát huy hình ảnh Chợ phiên truyền thống nét đẹp văn hóa độc đáo mang đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, nhằm từng bước củng cố, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa Chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số dưới tác động của nền kinh tế thị trường.
Chợ Dào San - Lai Châu |
Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương, có rất nhiều chợ phiên nổi tiếng, để lại dấu ấn sâu sắc với du khách gần xa. Đó chính là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần, là một nét đẹp văn hoá độc đáo mang đặc trưng của các vùng miền. Đến chợ phiên, người dân và du khách có thể đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm với những nụ cười hiền hậu, không khí ấm cúng thân thiện như tính cách con người vùng cao. Bà con các dân tộc thiểu số đến với phiên chợ không chỉ mang theo hàng hóa để bán mà còn mang nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình. Đó là những chiếc áo, chiếc váy được thêu tay tinh xảo và những cuộn chỉ nhiều màu săc được chọn lựa tỉ mỉ, ở đó còn có những sản vật địa phương chỉ vùng cao mới có, những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc...
Do vậy, để giữ được những nét văn hóa truyền thống của các phiên chợ vùng cao trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại đang là vấn đề cần được sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương tham gia phục dựng, bảo tồn một cách khoa học đáp ứng được nhu cầu phục vụ đời sống, nhưng vẫn giữ được các giá trị văn hóa đặc sắc, tạo thành những mô hình phát triển du lịch hiệu quả thu hút du khách nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.