Tác hại của thuốc lá: Chuyện chưa cũ
Sức khỏe 16/05/2023 09:10
Cùng với các tổn thất về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Tổng chi phí điều trị, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ung thư như: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ lên, đến 31.000 tỉ đồng/năm.
Ảnh minh hoạ |
Với sự tích cực tuyên truyền “Môi trường không khói thuốc”, nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá được nâng lên. Việc tổ chức địa điểm không hút thuốc lá, mô hình không khói thuốc được thực hiện rộng rãi ở nhiều nơi trên cả nước góp phần giảm cầu thuốc lá, giảm tác hại thuốc lá, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn còn hạn chế. Tại một số địa phương, việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá chưa thực sự được quan tâm. Một số quy định của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá không còn phù hợp với thực tiễn, như quy hoạch sản xuất - kinh doanh thuốc lá. Cùng với đó là một số bất cập trong thực hiện nhiệm vụ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới, chưa có quy định phù hợp; thuốc lá nhập lậu trên thị trường còn diễn biến phúc tạp.
Theo nhận định của ngành Giáo dục và Đào tạo, tình trạng sử dụng thuốc lá trong trường học; học sinh, sinh viên hút thuốc lá truyền thống có giảm (từ 4% năm 2014 nay còn 2,9% năm 2022). Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, xì-gà... ngày càng phổ biến. Học sinh, sinh viên tiếp cận với sản phẩm thuốc lá dễ dàng, giá rẻ. Đặc biệt, sản phẩm thuốc lá mới được quảng bá, tiếp thị, mua bán tràn lan qua mạng internet rất khó quản lí. Trong khi đó, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa quy định cụ thể về chính sách quản lí các sản phẩm thuốc lá mới, gây khó khăn khi đưa nội dung này vào quy định, văn bản dưới luật.
Tác hại của thuốc lá rõ nhất là có thể xâm lấn vào phổi và hình thành các tế bào ung thư |
Qua tiếp xúc với nhiều thanh niên trẻ hút thuốc, phần lớn họ đều không hiểu rõ, tận tường về những mối nguy cơ sức khỏe mà thuốc lá có thể gây ra, họ chỉ hiểu chung chung hút thuốc lá là nguy hại, rất nhiều trong số họ chỉ kể được bệnh có liên quan là ung thư phổi mà không kể được tên của những căn bệnh khác. Họ cũng không biết rằng hút thuốc cũng gây bệnh tim mạch, đột quỵ và nhiều căn bệnh khác, bao gồm các bệnh ung thư.
Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được mở rộng và phát huy hiệu quả thực sự, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tăng cường biện pháp xử phạt đối với hành vi vi phạm luật. Muốn vậy, phải có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn của các cơ qua chức năng và từng cá nhân, đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong giám sát, thanh tra, xử lí liên quan đến thực thi luật trên địa bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục tăng cường hoạt động, giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, xem xét và ủng hộ xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, để hạn chế tiêu dùng theo khuyến cáo của WHO, cấm sản phẩm thuốc lá mới; ủng hộ quy định chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho hoạt động phòng bệnh, tư vấn cai nghiện thuốc lá, rượu bia ..., trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế; có chính sách phù hợp để quản lí điểm bán lẻ thuốc lá, quy định, hướng dẫn chi tiết về cơ chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, chính quyền địa phương về quy định cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học; chế tài, xử phạt và trách nhiệm xử lí của các đơn vị liên quan.
Và trên thực tế, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã được Quốc hội ban hành vào năm 2012, qua đó nhiều người đã thực sự mong muốn, tin tưởng sẽ có một môi trường trong lành không khói thuốc. Thế nhưng, người hút thuốc lá tại các nơi công cộng vẫn nhan nhản, rất nhiều người đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ đang phải hút thuốc thụ động hằng ngày. Sở dĩ, việc cảnh báo, tuyên truyền về tác hại của thuốc là chỉ là chuyện “đàn gảy tai trâu” bởi vì khói thuốc không gây hại ngay tức thì mà nó xâm nhập vào cơ thể con người một cách âm thầm, phải mất một thời gian dài thì người hút thuốc mới chịu hậu quả nặng nề về bệnh tật, và lúc đó thì đã quá muộn.
10 năm là một hành trình không ngắn, nhưng chưa đủ dài để tác động vào nhận thức của người dân Việt Nam, chưa thể xoay chuyển mạnh mẽ hành động bỏ thuốc lá của người hút. Do đó, cần sữa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp thực tiễn, song hành với việc đưa luật vào cuộc sống một cách thực chất, nghiêm túc hơn.