Sức khỏe não bộ
Sức khỏe 28/11/2019 10:00
Kì 4: Trí nhớ và giải pháp tăng cường trí nhớ
Trí nhớ là gì?
Trí nhớ là quá trình tâm lí phản ánh những kinh nghiệm của cá nhân dưới hình thức biểu tượng. Nó gồm 3 phần theo trình tự: Tiếp nhận thông tin - lưu giữ thông tin - hồi tưởng thông tin trong trí óc. Đó là tri giác, cảm giác, rung động, hành động hay đã suy nghĩ.
Trí nhớ là phản xạ có điều kiện. Cơ chế hình thành trí nhớ là những đường liên hệ thần kinh tạm thời. Sự tái hiện trí nhớ chính là sự củng cố, bảo vệ đường liên hệ thần kinh tạm thời đã được hình thành.
Vai trò của trí nhớ
Trí nhớ có vai trò cực kì quan trọng trong đời sống tâm lí của con người. Trí nhớ là điều kiện để phát triển các chức năng tâm lí bậc cao, để có thể tích lũy kinh nghiệm sống của mình và sử dụng kinh nghiệm đó giúp cho cuộc sống hằng ngày trở nên tốt hơn.
Trí nhớ có vai trò quan trọng với con người. |
Trí nhớ giúp chúng ta không bị mất đi hình ảnh của những sự vật, hiện tượng mà ta tri giác được. Giúp lưu giữ lại các kết quả của quá trình nhận thức từ việc học tập và phát triển trí tuệ. Trí nhớ không chỉ giới hạn trong hoạt động nhận thức mà còn là một thành phần tạo nên nhân cách của con người, vì đặc trưng tâm lí nhân cách mỗi người được hình thành trên cơ sở vốn kinh nghiệm do trí nhớ đem lại.
Theo góc độ sinh lí, thường những kích thích tiêu cực thì chúng ta sẽ nhớ lâu hơn. Đó là những chuyện không vui trong cuộc sống, đó là những hành vi không tốt, lời nói không tốt… Cho nên phải biết sử dụng tốt vai trò trí nhớ của mình, để luôn lưu giữ những kích thích tích cực, “buông xả” những kích thích tiêu cực, để cho cuộc sống luôn an vui, tốt đẹp.
Các loại trí nhớ
Có nhiều cách phân loại trí nhớ, nhưng dưới đây là những cách phân loại phổ biến hiện nay:
Trí nhớ tức thời
Là chúng ta lưu giữ nhớ được từ vài giây đến vài phút sau đó mất đi hoặc chuyển sang nhớ ngắn hạn. Chẳng hạn như, khi người khác đọc số điện thoại, bạn nhớ ngay hoặc khi người khác nói địa chỉ, bạn nhớ luôn, hoặc khi chúng ta nhìn một vật gì đó trong vòng vài giây và có thể nhớ được nó trông như thế nào. Đây là dạng ngắn nhất của trí nhớ, nó hoạt động như một tầng đệm để thu nhận kích thích do 5 giác quan mang lại, theo đó thông tin sẽ được nhớ chính xác trong khoảng thời gian cực ngắn. Khác với các loại trí nhớ khác, trí nhớ tạm thời không thể luyện tập được, tuy nhiên đây lại là bước cần thiết để lưu giữ thông tin vào vùng trí nhớ ngắn hạn.
Trí nhớ ngắn hạn
Là chúng ta lưu giữ nhớ được từ vài phút đến hàng tuần sau đó mất đi hoặc chuyển sang nhớ dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn có tên gọi khác là trí nhớ làm việc (working memory) là việc ghi nhớ tạm thời những thông tin mà chúng ta vừa mới xử lí. Nó có khả năng ghi nhớ và xử lí thông tin cùng một lúc. Tuy chỉ có thể lưu giữ lượng thông tin nhỏ trong khoảng thời gian ngắn nhưng nếu chúng ta rèn luyện thường xuyên thì có thể lưu giữ thông tin lâu hơn. Trí nhớ ngắn hạn có thể lưu giữ thông tin để làm việc. Tuy nhiên, thông tin này sẽ nhanh chóng biến mất nếu chúng ta không chủ động lưu giữ nó. Đây là loại trí nhớ cần thiết để bước đến giai đoạn trí nhớ dài hạn. Sự chuyển thông tin đến vùng trí nhớ dài hạn để nhớ được lâu hơn có thể được kích hoạt và cải thiện bằng cách lặp lại thông tin đó, hoặc bằng cách gắn thông tin với một ý nghĩa nào đó.
Trí nhớ dài hạn
Trí nhớ dài hạn được dùng để lưu trữ thông tin trong thời gian dài. Trí nhớ dài hạn có thể lưu giữ lượng thông tin khổng lồ trong thời gian vô hạn. Trí nhớ dài hạn mã hóa thông tin dựa vào ý nghĩa và sự liên tưởng để lưu giữ, ghi nhớ lại. Trí nhớ dài hạn có 2 loại là: Trí nhớ có thể tường thuật và trí nhớ tiềm ẩn.
Ở kì trước chúng ta đã biết: Khi sinh ra con người có khoảng 100.000 tỉ tế bào nơron thần kinh. Nơron thần kinh nào được sử dụng nhiều thì sẽ phát triển mạnh, “đâm trồi nảy lộc”, tạo ra nhiều đầu mút (synap) để tiếp nối với nhiều nơron khác. Còn nơron nào không được sử dụng thì sẽ thoái triển. Các nhà thần kinh học đã làm một thí nghiệm: Lấy vải che 1 mắt con bò mới sinh ra (con bê con), còn mắt kia vẫn để cho nó nhìn. Sau một thời gian thì thấy rằng phần nửa vỏ não liên quan đến con mắt bị bịt đó số lượng đầu mút thần kinh (synap) phát triển ít hơn so với vùng vỏ não liên quan đến con mắt không bị bịt. Sau đó bỏ vải che mắt ra, lúc này thấy rằng con mắt trước bị bịt khả năng nhìn kém hơn. Điều này là do từ lúc sinh ra con mắt này chưa được học cách nhìn.
Chuyên mục được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền. Địa chỉ: Số 18 Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0243.207.26.26 - Di động: 084.24.89.666 www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong Email: saodaiviet.vn@gmail.com Youtube: Sao Đại Việt Mọi ý kiến về bài viết, xin quý vị vui lòng liên lạc với địa chỉ trên. |