Sản phẩm mang nhãn hiệu MQ Skin có dấu hiệu “lừa dối” người tiêu dùng!
Sức khỏe 23/01/2021 15:02
Qua mặt cơ quan chức năng “lừa” người tiêu dùng?
Cụ thể, sản phẩm MQ Skin Ginseng Repair Serum (Tinh chất nhân sâm tái tạo da) trên bao bì có ghi:“CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ HÀN QUỐC”, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu MQ, địa chỉ: 280 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Mã vạch sản phẩm 8936117150012. NSX 03/09/20, HSD 03/09/23 và 1 kí tự S0:003. Sản phẩm này không thể hiện số lô sản xuất (xem ảnh).
Sản phẩm MQ Skin Ginseng Repair Serum đang lưu thông trên thị trường |
Tra cứu tên của doanh nghiệp này, ra mã số thuế 0313734150, người đại diện pháp luật ông Đỗ Minh Quân.
Nói rõ thêm: Hiện trên thị trường, sản phẩm trên được giới thiệu về thành phần là Aqua, chiết xuất nhân sâm, Arbutin, methyl Salicylate... Số công bố 002559/19/CBMP – HCM.
Thế nhưng, từ những sản phẩm trôi nổi trên thị trường, cho thấy dấu hiệu cùng 1 số phiếu công bố 002559/19/CBMP – HCM, đang có một loại sản phẩm tương tự với tên gọi MQ Skin Ginseng Repair Serum Premium (Tinh chất nhân sâm tái tạo da cao cấp) trên bao bì ghi “chuyển giao công nghệ Hàn Quốc, chịu trách nhiệm phân phối Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu MQ, địa chỉ: 280 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Mã vạch sản phẩm 8936117150197. NSX 02/12/20, HSD 03/12/23 và 1 kí tự S0:004. Sản phẩm này không thể hiện số lô sản xuất. Đặc biệt, thành phần của sản phẩm này được ghi giống y chang MQ Skin Ginseng Repair Serum là Aqua, chiết xuất nhân sâm, Arbutin, methyl Salicylate...
MQ Skin Ginseng Repair Serum Premium cùng số PCB 002559/19/CBMP – HCM |
Đây là dấu hiệu Doanh nghiệp này đang lợi dụng 1 phiếu công bố để làm ra sản phẩm có thành phần giống y chang nhau, nhưng lại có tên gọi khác nhau để gây nhiểu nhầm với người tiêu dùng. Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, kết luận công khai về sự việc này!
Người tiêu dùng dễ bị đánh lừa bởi 2 sản phẩm chung một 1 Phiếu công bố |
Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế cũng có quy định ngoài những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thì: “Tổ chức, cá nhân được phép ghi trên nhãn mĩ phẩm những nội dung khác. Những nội dung ghi thêm không được trái với quy định của pháp luật và phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn mĩ phẩm”.
Có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi
Căn cứ Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế thì trường hợp “mĩ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mĩ phẩm” sẽ bị đình chỉ lưu hành và thu hồi.
Và cho dù đã được cấp số công bố mĩ phẩm nhưng một khi nhãn ghi sai lệch bản chất, tính năng vốn có của sản phẩm thì cũng có thể bị thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mĩ phẩm đã được cấp.
Bên cạnh đó, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định trường hợp nhãn mĩ phẩm ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm thì ngoài bị phạt tiền còn có thể bị buộc tiêu hủy mĩ phẩm.
Thực tế cho thấy, trên thị trường không ít doanh nghiệp “gian manh” chỉ vì lợi nhuận mà lừa dối khách hàng bằng cách quảng cáo, ghi nhãn “thổi phồng” công dụng, tính năng của sản phẩm. Điều này có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm và ngộ nhận về mĩ phẩm
Ngoài ra, nếu chỉ dựa vào những lời quảng cáo “có cánh” mà không tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm, thì người tiêu dùng nhất là những người mắc bệnh về da lâu năm rất dễ nhầm tưởng và “sập bẫy”. Kết quả là chưa chắc đã khỏi mà còn đối mặt với nguy cơ “tiền mất, tật mang”.
Từ những dấu hiệu sai phạm nêu trên đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm thì xử lí nghiêm để đảm bảo sự thượng tôn pháp luật và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.