Rác thải Covid-19, gây mầm bệnh và ô nhiễm môi trường
Xã hội 07/09/2021 11:08
Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, trên thế giới mỗi tháng sản xuất 42 - 45 tỉ khẩu trang các loại và sử dụng 130 tỉ chiếc. Cứ một phút thải ra môi trường 3 triệu khẩu trang và 0,3 - 0,4 triệu găng tay. Nhiều loại khẩu trang được sản xuất từ vải, chất dẻo vi mô, nano và chất độc hại khác. Chỉ riêng khẩu trang và găng tay thải ra đã là “bom tấn” gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn bệnh truyền nhiễm.
Nguy hại thế, vậy mà ở nước ta có hàng chục doanh nghiệp, hàng nghìn người vì lòng tham, bất chấp pháp luật, tổ chức sản xuất, kinh doanh, mua bán, xuất nhập khẩu rác thải Covid-19 vô tội vạ; thu gom, “phù phép” tái chế khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng thành sản phẩm “mới”, tung ra thị trường tiêu thụ. Đó là nguy cơ liên quan đến sức khỏe, làm gia tăng bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.
Theo Ban chỉ đạo 389 (Chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại), những năm qua vi phạm về mua bán, sản xuất hàng giả khẩu trang, găng tay, nhất là loại đã qua sử dụng đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt từ khi Covid-19 bùng phát.
Hàng trăm tấn găng tay, khẩu trang đã qua sử dụng được thu gồm để tái chế trong kho nhiều doanh nghiệp |
Cục Quản lí thị trường Lạng Sơn bắt giữ xe tải trên tuyến cao tốc về Bắc Giang chở 33.000 đôi găng tay cao su đã qua sử dụng đưa về nơi tái chế. Chi cục Hải quan Hữu Nghị (Lạng Sơn) phát hiện 1 doanh nghiệp nhập khẩu 6 tấn găng tay đã qua sử dụng, xuất xứ từ Trung Quốc trong khi tờ khai ghi rõ nhập 100% sản phẩm “mới”. Cũng tại Lạng Sơn, Hải quan và Quản lí thị trường thu giữ 2.863 hộp với 143.000 khẩu trang giả, làm bằng vải không dệt, lớp trong là giấy vệ sinh, lớp vi lọc thấu khí không thấm nước do Chu Ngọc Tư là chủ cơ sở sản xuất.
Tại TP Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan cửa khấu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện 42 tấn găng tay đã qua sử dụng. Trong đó, 1 container của Công ty TNHH VNC Global khai nhập khẩu 15 tấn găng tay gia dụng bằng cao su từ Trung Quốc, dùng trong gia đình, 100% mới, nhưng kiểm tra thì toàn bộ không nhãn mác, chỉ là hàng rời, bẩn, ẩm mốc đóng trong các bao tải; 2 container khác của Công ty Thiết bị Y tế Sài Gòn Trading Group chứa toàn bộ găng tay đã qua sử dụng, kê khai là “mới”, nhập từ Trung Quốc nhưng kiểm tra 100% mốc, bẩn, hôi hám.
Lực lượng Quản lí thị trường thành phố cùng các cơ quan chức năng còn phát hiện 12 vụ mua bán rác thải Covid-19, thu giữ 222 thùng với 344.000 khẩu trang, hơn 2 triệu găng tay y tế được tái chế. Tại hệ thống kho của Công ty TNHH HDPRO Land Quận 2, lực lượng chức năng phát hiện, niêm phong các kho chứa tại số 84 A, phường Thạnh Mỹ Lợi có 190.000 khẩu trang, 561.420 găng tay y tế…
Khẩu trang y tế sau khi tái chế được đóng hộp bán ra thị trường |
Tại 3 tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, các lực lượng chống hàng giả và công an phát hiện nhiều điểm tái chế khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng. Ở huyện Đức Hòa (Long An) 2 cơ sở do bà Nguyễn Thị Tím và Nguyễn Thị Bích Thủy thu mua, tái chế rất nhiều khẩu trang khai là mua lại của Phan Bảo Quốc (Bình Phước). Trong một lần kiểm tra, cơ quan chức năng thu của bà Tím 255 kg khẩu trang y tế, 2.000 khẩu trang đã đóng hộp mang nhãn hiệu Havinapro, 2.300 khẩu trang đã đóng túi nilon, 148 bộ bảo hiểm y tế đã qua sử dụng, 830 vỏ hộp và nhiều vật tư, nước sát khuẩn giả…
Tại tỉnh Thái Nguyên lực lượng chức năng phát hiện Nguyễn Minh Nguyên ở xã Thành Công, thị xã Phổ Yên thu gom 620 kg khẩu trang y tế, nhiều găng tay cao su, mũ chụp tóc đã qua sử dụng, hầu hết mua lại của Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Anh Đăng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đưa về khu nhà trọ xã Đa Hội, huyện Sóc Sơn tái chế.
Tại TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, Tổng cục Quản lí thị trường phối hợp với C01, C03 (Bộ Công an) kiểm tra đột xuất Công ty CP Đầu tư May mặc V-Link tại Khu công nghiệp Lương Sơn. Doanh nghiệp này không được cấp phép nhưng đang mở rộng sản xuất nhiều loại khẩu trang đủ nhãn mác, quảng cáo là sản phẩm theo công nghệ Nhật Bản, thực chất là “phù phép” khẩu trang đã qua sử dụng, may khẩu trang giả 4 lớp nhãn hiệu The World và HAPAPOLO quảng bá là khẩu trang cao cấp. Mở rộng kiểm tra, tại Công ty BM ở 43 biệt thự Lâm Viên 2 chất đầy nhà với 15 tấn găng tay cao su đã qua sử dụng đang được phân loại.
Tại TP Đà Nẵng, Cục Quản lí thị trường trong một đợt kiểm tra thu giữ 22.000 khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ đang tiêu thụ trên thị trường. Đội cảnh sát kinh tế quận Sơn Trà phối hợp Đội Quản lí thị trường số 14 kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh ở 65 phường Thọ Quang, phát hiện 24.000 khẩu trang y tế 3-4 lớp không có nguồn gốc..
Tình hình trên cho thấy, một thực tế phũ phàng là trong đời sống xã hội đã và đang sinh ra, tồn tại loại rác thải Covid-19. Ngành Quản lí thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã kiểm tra, điều tra, xác minh hàng trăm vụ việc vi phạm, thu hồi, bắt giữ, xử phạt hành chính, xử lí hình sự là rất quan trọng nhưng cũng mới chỉ giải quyết được phần ngọn.
Sở dĩ nhiều doanh nghiệp, cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp đạo lí, thu gom, nhập khẩu, tái chế khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lí, giám sát và thiếu khả năng dựa vào dân để ngăn chặn kịp thời. Bộ Công Thương ban tuy hành Thông tư số 44/2020/TT-BCT ngày 7/12/2020 quy định về ngừng tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch, song không ít doanh nghiệp vẫn cố tình nhập lậu găng tay, khẩu trang đã qua sử dụng.
Còn các mặt hàng này ở trong nước đã qua sử dụng tại sao một số doanh nghiệp, tư nhân có thể thu gom được hàng chục tấn để tái chế? Điều này trách nhiệm chính thuộc về Bộ Y tế, chủ yếu là hệ thống bệnh viện trong cả nước. Các bệnh viện, cơ sở y tế trở thành nguồn cung cho các đối tượng trục lợi. Đó là cái giá “gậy ông đập lưng ông” vì khẩu trang, găng tay tái chế được quay vòng trở lại các bệnh viện - nơi nó được thải ra - một cách dễ dàng, có thể giá rẻ hơn, các bệnh viện dễ chấp nhận mua về cho cán bộ, nhân viên dùng.
Đối với người dân, tốt nhất là nên sử dụng khẩu trang vải được may theo tiêu chuẩn quy định. Người làm bếp hãy cảnh giác với găng tay cao su tái chế.