“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên
Xã hội 30/03/2023 09:53
Kì 6: Những cự phách dưỡng voi Buôn Đôn
Cái nắng oi ả tháng 3 không ngăn được dòng người đổ về nơi an nghỉ cuối cùng của các bậc tiền nhân có công mở đất thuở hàn vi và cả những dũng sĩ, “ông vua” tài ba săn bắt, thuần dưỡng mãnh thú năm xưa tại khu nghĩa trang linh thiêng ở cạnh Bản Đôn, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk để tham dự lễ cúng sức khỏe voi đua. Vì là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến nên chúng tôi tìm cho mình một vị trí đắc địa để quan sát được cả bầy 7 con voi đang túc trực chờ lệnh chủ khởi sự cuộc so tài tốc độ cam trường này. Khi chiếc tù và của người đại diện cho ban tổ chức ngân hết ba hồi, bảy tiếng thì cũng lúc chúng tôi thấy vị chủ tế là già làng Y Khiă - một trong những cao nhân chuyên bốc thuốc gia truyền chữa bệnh yếu sinh lí ở đây cất lời tỏ bày:
Lễ hội đua voi Buôn Đôn năm 2023 |
“Nào con gái! Nữ thần Mặt trời đã trở mình, con hãy khơi ngọn lửa trong gian khách ngôi nhà dài để cha cùng anh trai con đi bắt cá ở hồ Nam Ka nào! Ngọn lửa đã khêu, bước chân của già làng cùng đứa con trai dũng mãnh như con tê giác của ông cùng dân làng tiến về hồ Nam Ka. Khi Nữ thần Mặt trời chếch bóng, những con cá nướng béo ngậy được các các cô gái dọn lên thơm phức. Sự quyến rũ của mùi cá nướng khiến chàng trai dừng tay, sau khi ăn cá, con trai của già làng bỗng mắt lồi, thân hình khổng lồ, bụng phình, mũi dài, tai to, tay chân biến thành tứ trụ. Một hiện tượng kì lạ chưa từng có. Chàng vẫn ăn cơm, uống nước, ăn rau, vẫn hiểu được tiếng người nhưng không nói được nữa... Từ đó dân làng gọi chàng là chàng voi và ứng xử với chàng như một thành viên trong cộng đồng vậy”.
Thấy vị chủ tế đã hoàn thành việc làm lí, tung hô, ca tụng, bày tỏ tình cảm với vía voi đua xong, phó già làng Khăm Phết Lào - một trong 21 người con của “vua” săn voi Amakong thuở xưa tuyên bố hội đua voi bắt đầu bằng một hồi chiêng kèm khẩu lệnh: “Sẵn sàng...chạy...!”. Những tiếng reo hò vang trời của người xem, tiếng nài voi quất roi đen đét của các chủ đua thốc voi về đích... hòa chung làm một. Trong niếm phấn khích vô biên, phó già làng Khăm Phết Lào thổ lộ với chúng tôi: “Không biết từ thuở nào, huyền thoại người hóa voi được lưu truyền trong dân gian ở buôn làng lại trở thành mạch nguồn cho câu chuyện yêu thương đầy nhân tình với những con vật khổng lồ trong thiên nhiên hoang dã. Nhưng, voi - loài động vật hoang dã trong rừng xanh đã trở thành người bạn thân thiết với đồng bào mình từ ngàn đời nay. Và từ tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” đã tạo nên những ứng xử đầy huyền thoại mà nhân văn thực thụ giữa người với voi tại buôn nhà”.
Già làng Y Khiă làm chủ tế Lễ cúng sức khỏe cho voi đua năm 2023 vừa qua. Phó già làng Khăm Phết Lào thổi tù và tại lễ. |
Nói về huyền thoại tình thân giữa người và voi ở đây với chúng tôi thì già làng Khăm Phết Lào không thể không nhắc tới phụ thân của mình và các bậc tiền nhân thực thụ: “Lịch sử Buôn Đôn vẫn còn ghi lại, sau khi Vua săn voi Y Thu Knul qua đời ở tuổi 110, cậu con rể Y Prông Êban, tên thường gọi là Amakong (bố mình), nổi lên với tài nghệ săn, thuần phục voi kiệt xuất. Bố mình lúc sinh thời cũng xứng danh “vua voi” với chiến tích săn bắt tổng cộng được 298 con voi rừng về thuần phục, trong đó có 3 con voi màu trắng. Bố mình rất giỏi bốc thuốc bồi bổ sức khỏe nên rất đa tình và hưởng thọ 103 tuổi, cưới liên tiếp 4 bà vợ rồi sinh 19 cô con gái, hai cậu con trai. Mình là người con thứ 11 trong gia đình nên bây giờ nhờ vào bóng dáng bố Amakong và sự tu dưỡng, rèn luyện nhân cách không ngừng mà mình mới hơn 60 tuổi đã được đồng bào “quy hoạch” vào vai phó già làng Buôn Đôn”.
Tiếng tăm của vua voi Amakong không chỉ gắn liền với tài nghệ săn, bắt, thuần hóa voi rừng mà còn được biết đến với bài thuốc danh bất hư truyền. Dẫu rằng bây giờ còn không ít người vẫn đinh ninh cho là phương thuốc của vua voi Amakong năm xưa truyền lại cho hậu duệ hôm nay chẳng khác gì thần dược giúp đàn ông tăng cường sinh lí, đậu thai mang giới tính theo ý muốn. Chúng tôi đem chuyện này hỏi chính phó già làng Khăm Phết Lào thì nhận được cái lắc đầu dứt khoát. Ông tếu táo nói vừa thật vừa đùa: “Thuốc thần chỉ dành cho ngọc hoàng, tiên nữ trên trời chứ đâu đến người thường dưới hạ giới”.
Còn già làng Y Khiă - vị chủ tế toàn quyền nghi lễ cúng sức khỏe voi đua của Buôn Đôn năm 2023 vừa xong. Già có tên (thường gọi là Ama Đer) - người săn voi (gru) cuối cùng còn lại hiện nay nên dịp lễ hội trong huyện Buôn Đôn, ngoài tỉnh Đắk Lắk già luôn được mời để cúng sức khỏe cho voi và cho chủ voi. Khi chúng tôi hỏi: “Già với voi quen thân nhau từ bao giờ?”. Già làng Y Khiă nhìn xa xăm rồi chậm rãi kể: “Khoảng 14 tuổi, mình đã vai trần đóng khố theo các gru đi bắt voi con về nuôi, thuần hóa. Tổng công mình đã bắt được 36 con voi lớn bé về nuôi dưỡng, phục vụ sản xuất, trong đó duy nhất có một con voi trắng. Con bạch tượng này được cộng đồng coi là cá thể linh thiêng, là vua của các loài voi.
“Trong đội săn ngày ấy bao giờ cũng có thứ bậc. Thứ bậc được phong theo chiến tích là số lượng voi mà người đó bắt được. Thợ phụ chỉ được đóng khố, ở trần, không được ăn cá màu trắng, khi tự mình bắt được 5 con voi rừng sẽ được mặc quần áo, che mưa, ăn cá màu trắng; bắt được từ 20 con thì được phong bậc gru (dũng sĩ săn voi). Gru là bậc cao nhất trong nghề săn voi, lúc này người đó có thể tự dẫn quân đi săn voi rừng và toàn quyền chỉ đạo trong chuyến đi săn đó. Những gru muốn đạt đến đẳng cấp thượng thặng phải săn được bạch tượng (một con bạch tượng gần bằng 100 con voi đen)”, già làng Y Khiă thổ lộ với chúng tôi như vậy.
Con bạch tượng thuở xưa là chú voi thứ 31 mà giàng làng Y Khiă bắt được. Song sau khi voi săn dũng mãnh Gurny mất, già làng Y Khiă vào đầu năm 1989 đã lựa chọn một con voi tên là Tok trong đàn 6 cá thể của gia đình rèn giũa thành người bạn đồng hành săn voi rừng lừng danh. Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na và già làng Y Mok, nguyên Phó hạt trưởng hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn thay nhau quảng bá “quyền lực mềm” của già làng Y Khiă bây giờ với chúng tôi: “Già làng Y Khiă là trung tâm đoàn kết, là kho báu kinh nghiệm sản xuất và kinh nghiệm ứng xử. Ứng xử với thiên nhiên khi sấm sét, lũ lụt; khi mưa to, gió lớn; khi núi lở, sông cạn; khi muông thú loạn rừng; khi hạn hán kéo dài... Và... già làng làng Y Khiă chính là pho tư liệu luật tục ngàn đời truyền lại. Là cuốn từ điển bách khoa, giúp cho con cháu, đồng bào các dân tộc xã nhà biết điều hay lẽ phải, biết cái đúng, cái sai, biết pháp luật nhà nước bảo vệ động vật quý hiếm để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với vật nuôi và thiên nhiên tươi đẹp quê nhà”.
“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên |
“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên |
“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên |
“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên |