Quân đội chung sức chống dịch là cần thiết
Xã hội 31/08/2021 14:03
Quân đội cùng cả nước chung sức chống dịch
Sáng 23/8, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng phát động phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề “Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Trọng tâm của phong trào thi đua là quán triệt sâu sắc lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống dịch... Làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn thấu hiểu và quán triệt sâu sắc tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; nêu cao trách nhiệm vì dân, vì nước, ý thức tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi đầu phòng, chống dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, coi đó là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình. Tuyệt đối chống biểu hiện chủ quan, thỏa mãn dừng lại hoặc bi quan trong công tác phòng, chống dịch.
Trước đó, một quyết định quyết liệt và khẩn trương của Thủ tướng Chính phủ được đề ra: Hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng cần thiết khác cho TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh. Ngay lập tức, hàng nghìn bác sĩ quân y, hàng trăm chiến sĩ công an từ các địa phương khác được huy động lên đường đến các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch. Ngay tại chỗ, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội chuẩn bị nhân lực, vật lực để sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Các xe chuyên dụng của Sư đoàn 330 Quân khu 9 ra quân cùng chống giặc dịch. |
Quân đội Nhân dân Việt Nam có 3 chức năng: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần này, họ ra trận với đầy đủ 3 chức năng ấy và Lời thề thứ 9 cùng 12 Điều kỉ luật trong quan hệ quân dân. Hành trang trên vai chẳng có gì ngoài kỉ luật của quân đội và mệnh lệnh của trái tim. Họ quyết tâm “chiến đấu”, công tác và lao động hết sức mình để đem lại bình yên và sức khỏe cho Nhân dân. Họ chịu đựng sự vất vả, gian khó, nhưng chẳng hề nao núng, bởi họ là “Bộ đội Cụ Hồ”, bộ đội của dân. “Nhân dân là cha mẹ bộ đội” đã cưu mang, đùm bọc họ trong những lúc nguy nan, thì lúc này, Nhân dân có thể yên tâm dựa vào họ.
“Kỉ luật chính là tự do”
“Kỉ luật chính là tự do, người vô kỉ luật sẽ chỉ là nô lệ cho cảm xúc, sự thèm muốn và say mê” - nhà giáo dục nổi tiếng Stephen Covey đã nói như thế. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, càng thấm thía câu nói của ông bà xưa mà sau này Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhắc lại: “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Ở nhà chính là tự cứu lấy mình, trừ ra việc thiếu lương thực do địa phương bỏ sót là lỗi của địa phương, còn việc ào ạt chen lấn khi xét nghiệm, tiêm ngừa, đi siêu thị… là những hành vi cần phải lên án. Ai hay mắc lỗi này cần tự ý thức khắc phục.
Dịch bệnh bùng phát nhanh chóng, phức tạp như hiện nay, trong các nguyên nhân cũng có sự thiếu ý thức tự giác của một bộ phận người dân. Nhà nước yêu cầu giãn cách xã hội, “Ai ở đâu ở yên đấy”, thì rất nhiều người vẫn tìm cách ra đường, không bảo đảm “5K”, thậm chí có người còn tỏ ra bất chấp dịch bệnh. Một khi trong xã hội có nhiều cá nhân ích kỉ, tính kỉ luật kém thì chính quyền buộc phải nhờ đến pháp luật, quân đội để giữ kỉ cương, phép nước vì lợi ích chung của đa số người dân chân chính. Lúc này, những người tự kỉ luật cao thấy chuyện đó là cần thiết, là tất nhiên, bình thường. Nhưng ngược lại, người có tính tự kỉ luật kém cảm thấy mình mất tự do, bị bó buộc, ngứa ngáy tay chân. Những kẻ “đục nước béo cò” xuyên tạc việc thiết lập kỉ cương của chính quyền, cổ súy cho những hành vi kỉ luật kém để kích động gây rối trật tự an ninh, khoét sâu mâu thuẫn, hòng gây hoang mang, chia rẽ trong Nhân dân trước tình hình phức tạp của dịch bệnh nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Cái giá của việc giữ kỉ luật luôn ít hơn nỗi đau của sự hối tiếc. Trong thời gian này, do dịch bệnh kéo dài nên lực lượng tuyến đầu chống dịch phải chịu đựng cường độ làm việc cao, áp lực lớn về tinh thần. Trong khi chỉ cần ở yên trong nhà, đeo khẩu trang đúng cách, đồng lòng đồng thuận với đất nước, vậy mà một số người dân vẫn không thể làm tròn. Trách nhiệm công dân của họ mờ nhạt, suy nghĩ và hành động chỉ nghĩ cho riêng mình, vậy khi nào mới hết dịch? Đã vậy, họ còn “buông lời cay đắng” miệt thị, xuyên tạc hình ảnh lực lượng làm nhiệm vụ, hạch hỏi, yêu sách đủ điều.
Đến thời điểm này, tất cả đều quá lo lắng, mệt mỏi và chịu thiệt hại nặng nề do Covid-19 gây ra. Hơn bao giờ hết, mỗi người dân, nhất là lớp người cao tuổi cần sự cảm thông, chung sức, đồng lòng và thật sự tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo mọi việc. Hãy tự giác chấp hành qui định chống dịch, thể hiện sự tự kỉ luật bản thân, vì quyền lợi chính đáng của cá nhân và cộng đồng, bảo vệ sinh mệnh của chúng ta lên trên hết.
Bên cạnh việc thực hiện tốt “5K” để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội, mỗi người còn phải sử dụng mạng xã hội đúng cách để lên án, phát hiện những hành vi cố ý làm lây lan dịch bệnh; vạch mặt những kẻ lợi dụng tình hình gây mất an ninh trật tự xã hội. Người cao tuổi trong mỗi gia đình và cộng đồng cần chú trọng phát huy tinh thần “Tuổi cao – Gương sáng”, trong tuyên truyền, vận động con cháu và người dân, sát cánh cùng chính quyền và các lực lượng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng chống dịch.