“Quả bóng” giá xăng dầu
Trong mắt người già 10/02/2023 10:22
Trong bối cảnh ấy, chuyện xăng dầu mà nóng hổi là điều hành giá xăng dầu vẫn đáng ngại. Dù rằng đã rút ngắn chu kì điều chỉnh giá từ 15 ngày xuống 10 ngày, rồi sẽ còn 7 ngày. Ấy là chưa kể kì đó đúng ngày nhạy cảm lại phải xê dịch, nhưng cũng có lúc đúng giờ thiêng - 0 giờ ngày 1/1/2023, xăng lại tăng giá, làm cho mắc mớ vốn âm ỉ trong điều hành giá xăng như được tiếp thêm mồi lửa.
Việc điều hành giá xăng dầu lâu nay do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cùng làm. Đến 2022 bùng phát về xăng dầu không chỉ là giá mà ở tất cả các khâu: Nhập khẩu, lọc hóa dầu, dự trữ quốc gia, phân phối, chiết khấu, cây xăng… thì “quả bóng” giá xăng được “đá đi, chuyền lại”.
Trong thực tế, xăng dầu không chỉ liên đới đến hai Bộ Công Thương và Tài chính mà còn có Bộ Công an quản lí về phòng chống cháy nổ; Bộ Khoa học và Công nghệ quản lí về chất lượng, tiêu chuẩn... Việc khai thác, lọc hóa dầu, bán xăng dầu cũng có chủ quản. Từ ngày có Ủy ban quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMCS), xăng dầu có thêm “bảo mẫu”. Nhưng chuyện lình xình về giá vẫn xảy ra mà sâu xa vẫn do cái “xiềng” mệnh lệnh hành chính đã lỗi thời, nhưng gỡ thì vẫn như “gà mắc tóc”.
Xung quanh việc định giá bán lẻ xăng dầu đã có đề xuất là để doanh nghiệp tự quyết giá bán, Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế. Đây là một trong những điểm mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu đang được trưng cầu.
Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Tức là, mức giá điều hành do Nhà nước công bố giống như giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ. Song lâu nay, việc quy định giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo, không phản ánh đúng thực tế của họ và những phát sinh mà họ phải bỏ ra.
Quay lại chuyện quả bóng giá xăng dầu được “đá đi, chuyền lại”. Người này bảo giao về Bộ Công Thương để gọn một mối, người kia nói về Bộ Tài chính mới tròn vai. Lí lẽ nào cũng thuyết phục, thế là đẩy cấp trên vào thế khó. Để một nơi thì lo độc quyền, thiên vị. Giao hai chốn lại sợ cha chung… quanh năm phải giảng hòa. Thật là “Ngổn ngang bên nghĩa bên tình/ Dầu xăng đâu biết phận mình nơi nao”.