Phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào DTTS
Xã hội 18/08/2023 11:04
Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh An Giang Chau Anne cho biết, toàn tỉnh hiện có 120 người được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS, phần lớn là NCT. Trong đó, dân tộc Khmer là 84 người, dân tộc Chăm 14 người, còn lại là dân tộc Hoa và các dân tộc khác. Họ là những người được bầu chọn từ khóm, ấp.
Khi được UBND tỉnh công nhận, họ giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính quyền địa phương đưa các chủ trương, chính sách đến với người dân một cách hiệu quả, cụ thể. Điển hình tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, đồng bào Khmer chiếm hơn 97%. Công tác tuyên truyền có định hướng riêng, tùy nội dung để xã chọn đối tượng tuyên truyền. Khi triển khai các chủ trương, chương trình, chính sách, người uy tín trong cộng đồng dân cư sẽ tham gia.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Ô Lâm Phạm Thị Kiều Oanh cho biết, một trong những nội dung tuyên truyền thành công, là vận động người dân làm đường ở các ấp, phum, sóc. Năm 2020 đến nay, xã thực hiện 5 tuyến đường có sự đóng góp của bà con. Trong xã có 6 người uy tín, họ góp phần tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ cho bà con cũng như các quyền lợi mà bà con được thụ hưởng qua các chương trình.
Ban Dân tộc tỉnh An Giang thăm, tặng quà người uy tín trong đồng bào DTTS. |
Phần lớn người uy tín trong đồng bào DTTS là các chức sắc, chức việc, gương mẫu trong đời sống, việc làm, được người dân tin tưởng, quý mến. Họ là những người đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do chính quyền, các đoàn thể địa phương phát động. Qua việc vận động đồng bào tích cực tham gia các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương, như mở đường, xây nhà văn hóa thôn, ấp; vận động con em đến trường, tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo,...
Điển hình như ông Ngan Minh Nhơn, người Hoa, ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn luôn vận động các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm đóng góp tiền, tập vở, đồng phục học sinh, mua bảo hiểm y tế, đồ dùng học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá vật chất và tiền mặt từ 300 - 350 triệu đồng/năm.
Ông Chau Kok, người Khmer, ở ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, gia đình ông Chau Kok tự vươn lên thoát nghèo bằng mô hình trồng 200 cây dừa, 200 cây xoài các loại (xoài Thái, xoài Đài Loan, xoài cát Hòa Lộc, ...) cùng các loại hoa màu ngắn ngày, thu nhập khoảng 180 triệu đồng/năm, giúp gia đình ổn định cuộc sống, ông tích cực tham gia công tác xã hội, vận động mọi người trong ấp xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Sa Les, người Chăm, Trưởng ban Nhân dân ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, thực hiện cuộc vận động đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, “Tương thân, tương ái”, giúp nhau giảm nghèo, áp dụng khoa học - kĩ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, nhiều mô hình đầu tư phát triển kinh tế. Từ đó, đồng bào Chăm đã có ý thức và trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, y tế, dân số, vệ sinh môi trường, không có trường hợp vi phạm, không có con em nghỉ học, phổ cập tiểu học, THCS luôn đạt chuẩn quốc gia.
Hiện trong ấp có rất nhiều thanh niên học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài nước, có 45 em đang du học các nước Ai Cập, Ả-rập, Malaysia, Indonesia; nhiều em thành đạt ra trường hiện đang công tác tại TP Hồ Chí Minh, số còn lại tham gia tích cực các hoạt động xã hội, sinh hoạt các tổ chức - đoàn thể địa phương.
Ông Chau Anne đánh giá: “Những năm qua, người uy tín đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Với vai trò của mình, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, họ còn có những ý kiến đóng góp thiết thực. Nhiều người rất tâm huyết với công tác ở cơ sở, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề khó khăn của bà con đến các cấp chính quyền”.