Pháo nổ và... dân trí
Trong mắt người già 04/02/2020 14:55
Một thực tế cần nhìn nhận nghiêm túc: Hầu như địa phương nào cũng có pháo nổ trong đêm giao thừa, nhưng nhiều nhất vẫn ở các vùng quê. Các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh… công bố kết quả phát hiện, xử lí hàng trăm vụ, đối tượng tàng trữ, sử dụng pháo trái phép chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mang tên pháo. Không ít địa phương, tình trạng nổ pháo trong đêm giao thừa chẳng khác gì thời điểm trước khi Chính phủ có Nghị định về “Quản lí, sử dụng pháo”.
Nhiều người còn nhớ, Nghị định về “Quản lí, sử dụng pháo” (NĐ 36) ra đời ngày 15/4/2009, đến nay đã được trên 10 năm. Vài năm đầu khi Nghị định “còn tươi màu mực”, người dân chấp hành khá nghiêm túc; các cơ quan chức năng cũng còn “hăng hái” vào cuộc, nhưng càng về sau, việc chấp hành trở nên lỏng lẻo. Trước mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cấp ủy các cấp đều ra chỉ thị; các cơ quan chức năng đều hứa hẹn, đưa ra các phương án quản lí, xử phạt nhưng tiếng pháo nổ không giảm mà có xu hướng ngày càng tăng. Việc sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ vẫn diễn ra tràn lan. Bình quân mỗi bánh pháo mang nhãn hiệu Trung Quốc, Thái Lan… khi đến tay người sử dụng trong nước đều có giá hơn một triệu đồng. Ấy thế mà nhiều người bất chấp pháp luật, bất chấp sự tốn kém và cả mất an toàn để đốt pháo “cho vui”.
Sử dụng pháo nổ tràn lan là bức tranh rất không đẹp trong xã hội văn minh. Hiện tượng pháo nổ có nguy cơ “Tết năm sau nhiều hơn Tết năm trước”, lỗi trước hết thuộc năng lực yếu kém của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự thiếu quyết liệt, thậm chí làm ngơ của cơ quan chức năng. Nhưng điều đáng trách hơn vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Dường như trong tiếng pháo đêm giao thừa Tết Canh Tý liên quan tới… dân trí. Bởi pháo chỉ nổ nhiều ở các vùng nông thôn, nhất là nơi có nhiều lao động đi làm ăn xa trở về quê ăn Tết? Và tại sao biết địa phương mình năm nào cũng xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép nhưng chính quyền nơi đó chưa có biện pháp giải quyết triệt để?
Chắc chắn trước khi xây dựng Nghị định này, các nhà làm luật đã suy nghĩ kĩ lưỡng các yếu tố liên quan đến văn hóa người Việt. Xét về ý nghĩa của khoa học, Nghị định này chính là một trong những công cụ quản lí trật tự xã hội hữu hiệu nhất và người dân chấp hành nghiêm, mới là người có văn hóa và dân trí cao.
Để không còn việc sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của hệ thống chính trị. Mong các cơ quan chức năng có chế tài mạnh mẽ, nghiêm khắc hơn cho hành vi đốt pháo trái phép, để những mùa Xuân sau thêm yên lành, vui vẻ.