Phải nêu cao cảnh giác khi đại dịch chưa chấm dứt
Quốc tế 27/01/2021 09:30
Tuy tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng lắng dịu dần ở một số điểm nóng trước đó như Ấn Độ hay Hàn Quốc, nhưng danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ bị virus SARS-CoV-2 tấn công lại tiếp tục mở rộng thêm với Micronesia - một đảo quốc nhỏ trên Thái Bình Dương.
Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu chính là sự xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh, Nam Phi, Brazil, Nhật Bản và Mỹ. Tuy chưa công bố các đặc tính của biến thể virus phát hiện tại Nhật Bản và Mỹ, nhưng giới khoa học xác định rằng các biến thể phát hiện tại Nam Phi và Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 50-70% so với phiên bản gốc, khiến bệnh tình nặng hơn, có nguy cơ gây tái nhiễm và nguy cơ gây tử vong cũng cao hơn.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Colmar, (Pháp) |
Diễn biến khó lường của dịch bệnh đã buộc chính phủ các nước siết chặt thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2. Chính phủ Thụy Điển thậm chí thay đổi hẳn quan điểm trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ hai đang diễn biến nghiêm trọng hơn so với dự báo đã khiến nước này phải ban hành Luật chống dịch COVID-19, trao cho chính phủ quyền hạn mới như đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trung tâm mua sắm hoặc phương tiện giao thông công cộng vào bất kì thời điểm cần thiết nào, hoặc đặt ra giới hạn về số lượng người được phép tụ tập ở công cộng hay phạt tài chính đối với những người không tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Nhiều quốc gia khác như Thụy Sĩ, Áo, Canada, Nhật Bản… cũng đang chạy đua với thời gian nhằm khống chế dịch bệnh sớm nhất có thể, trong bối cảnh hệ thống y tế đứng trước nguy cơ sụp đổ do bị quá tải cả về nhân lực và vật lực. Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới đã vượt quá khả năng của các bệnh viện, cũng như các khách sạn được chỉ định là nơi cách li cho những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Trước sự xuất hiện của những biến thể mới, cộng đồng quốc tế lo ngại về tính hiệu quả của các loại vaccine tiềm năng hiện nay. Đã có hơn 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được phân phối trên toàn thế giới và ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 61% dân số thế giới xúc tiến công tác tiêm chủng. Tuy nhiên, các nhà khoa học của WHO cảnh báo ngay cả khi các nước triển khai chương trình tiêm chủng đại trà, diện bao phủ của vaccine vẫn chưa đủ rộng để tạo khả năng miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Bên cạnh đó, chiến dịch chủng ngừa cũng vấp phải những khó khăn nhất định, đặc biệt là tại châu Âu - tâm dịch của thế giới, khi hãng dược phẩm Pfizer giảm nguồn cung vaccine để tập trung cải thiện năng lực sản xuất.
Tổng Giám đốc WHO bày tỏ quan ngại về vấn đề phân phối vaccine trên toàn cầu hiện nay, khi ngay từ đầu các nước giàu đã chiếm phần lớn nguồn cung các loại vaccine. Theo ông, điều này có thể làm chậm trễ việc phân phối vaccine, đồng thời dẫn đến tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường vaccine, tiếp tục gây chia rẽ xã hội và kinh tế và hậu quả sau cùng là khiến đại dịch kéo dài. Ông kêu gọi cần ngừng ngay các thỏa thuận song phương giữa các nước giàu và các hãng sản xuất vaccine để có thể triển khai đúng đắn cơ chế COVAX từ tháng 2 tới và phân phối vaccine cho cả các nước nghèo.
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: "Vaccine mang lại cho tất cả chúng ta hi vọng chấm dứt đại dịch và đưa kinh tế vào lộ trình phục hồi. Nhưng chúng ta chỉ có thể chấm dứt đại dịch khi chúng ta xóa sổ dịch bệnh này ở mọi nơi trên thế giới. Và để làm được điều đó, chúng ta cần mọi quốc gia thành viên, mọi đối tác và mọi nhà sản xuất vaccine cùng hợp lực". Mặt khác, WHO khẳng định dù đã có vaccine nhưng người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác, tránh tâm lí chủ quan phó mặc cho vaccine và các chính phủ cần tiếp tục duy trì những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong giai đoạn mấu chốt này…