Ở quê bão nổi, ở đây bão lòng
Đời sống 26/12/2023 09:20
Bao năm lớn lên từ làng quê, chứng kiến quê mình đổi thay. Cũng như phổng phao từng ngày theo từng cơn bão của năm. Dường như, mỗi đứa trẻ khúc ruột miền Trung đều cảm nhận được tất thảy những ngày bão đi qua. Khi những cơn gió rít đậu ngoài cánh cửa, những cây ổi, cây mía, cây ngô, bình thường hiền hòa là thế, nay nghiêng mình giận dữ, trút chùm quả xanh non, lộp độp trên mái nhà. Đàn gà con hoảng sợ, líu ríu gọi mẹ. Lá khô trút đầy trên sân. Những quả bưởi non lăn lông lốc. Nước ỳ oạp, đánh vào con đê gần nhà.
Ảnh minh họa |
Sống ở vùng này, mới thấu hiểu được những mất mát, đau thương xảy ra hằng niên. Những người ở tỉnh khác, luôn hỏi rằng “người ta biết đến thời gian đó, là có bão, sao không có biện pháp phòng tránh trước, để khi nào cũng gánh những thiệt hại nặng nề về cả người và tài sản”. Ngẫm mà chua chát, tránh sao được cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên. Khi nó trút hàng ngàn, hàng vạn hạt mưa xuống những căn nhà lụp xụp. Hay ào một cơn gió mạnh đi qua, nhà tranh vách đất thời này, chống chọi sao được. Vì vậy mà những người con xa quê, đi làm ăn kinh tế, xuất khẩu lao động... cũng chỉ để kiếm được thật nhiều tiền, xây cho ba mẹ cái nhà che mưa, chắn nắng, tránh những ngày bão nổi.
Những năm gần đây, tình hình mưa bão ngày một diễn biến phức tạp và khó lường. Ngoài nghe những thông tin từ đài khí tượng thủy văn dự báo về, thì mỗi người dân đều có phương án dự phòng trước cho gia đình. Như chuẩn bị đồ đạc để chất lên cao, tránh trường hợp nước vào tới nhà mà đồ chưa kịp cất. Hay những ngôi làng đã có xây dựng nhà cộng đồng cho bà con tránh bão. Khi nước dâng lên, mọi người có thể tập trung một chỗ, để tránh những thiệt hại về người.
Tôi vẫn thường điện thoại nhiều hơn về nhà mỗi khi có thông tin báo bão. Nhưng đa phần, điện thoại sẽ báo “thuê bao quý khách vừa gọi, hiện không liên lạc được”. Vì khi bão tới, điện cúp hoặc giông bão sẽ làm cho những tuyến đường điện chập nguồn. Buộc trạm biến áp phải ngừng hoạt động, chuẩn bị cho công tác tu sửa. Điện thoại ở nhà cũng vì thế không có pin. Những lúc như thế, chỉ biết dò tìm thông tin trên mạng, xem trên tivi để nắm bắt được tình hình quê nhà.
Những đứa con xa quê luôn khao khát được trở về để san sẻ cho ba mẹ mùa mưa bão. Nhưng biết có về cũng chẳng giải quyết được gì. Nên chỉ biết ngồi bó gối trên ban công, nghe thông tin xa gần. Ở quê bão nổi, nhưng ở thị thành, lòng tôi nổi bão. Thương những tảo tần chắt chiu sớm hôm. Thương bước chân tất bật sớm chiều, dọp dẹp nhà cửa, sân vườn để lên dây cót “đón bão”. Bao giờ hết bão trên quê mình? Câu hỏi khó khăn ấy chẳng ai có thể trả lời được, chỉ mong ở quê nhà, ba mẹ luôn bình an, chờ ngày bão tan để mọi thứ lại trở về vị trí cũ.
Hôm nay trên đài phát thanh của phường, người ta lại phát đúng bài “Miền Trung nước lũ, đứng ngồi không yên. Miền Trung lũ lụt, con chưa về, chưa về lòng thắt cơn đau”...