Những vấn đề Quốc hội kiến nghị để thực hiện tốt Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Giáo dục 07/10/2023 14:10
Với trọng trách là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, Quốc hội đã tổ chức đoàn giám sát chuyên đề: Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/NQ14 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông ”.
Đánh giá kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông
Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/NQ14 về về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, do ông Trần Minh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm trưởng đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa -Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn thường trực giám sát, Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh,Phó trưởng đoàn giám sát. Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với 8 tỉnh thành phố, làm việc với một số bộ, cơ quan đơn vị cơ sở giáo dục có liên quan.
Chiều 14/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề ‘’Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông’’.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp |
Báo cáo về kết quả giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết: Đoàn giám sát nhận thấy chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình GDPT 2018 đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch. Chương trình GDPT mới đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020-2021 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14.
Ông Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội. |
Tuy nhiên, Chương trình GDPT tổng thể và các chương trình môn học ban hành chậm so với yêu cầu (30 tháng) và chưa đầy đủ chương trình các môn học. Về biên soạn SGK mới, Đoàn giám sát thấy rằng: Việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định SGK còn nhiều bất cập. Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá SGK; thực hiện chính sách xã hội với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Việc thực nghiệm SGK chưa được coi trọng đúng mức, tổ chức trong thời gian ngắn, chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô và chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở một số cuốn SGK, nhất là đối với SGK tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.Cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; việc mua SGK ngoài thị trường gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành SGK giả diễn ra phức tạp. SGK mới phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản SGK; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo giám sát đã cung cấp bức tranh tổng thể toàn diện và sâu sắc về tình hình đổi mới giáo dục phổ thông, có nhiều nội dung, giải pháp kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.Theo Chủ tịch Quốc hội, Chương trình giáo dục phổ thông mới cần đánh giá kỹ hơn chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK. Về đề nghị của Đoàn giám sát đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu không chỉ khâu in ấn mà cả khâu biên soạn, thẩm định, xét duyệt, lựa chọn, phát hành SGK. Thanh tra khâu sử dụng chi phí chiết khấu SGK, đề nghị sớm ban hành phương pháp định giá tối đa SGK, bảo đảm tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí trung gian, nghiên cứu giảm tỉ lệ chiết khấu đến mức hợp lí để giảm giá SGK theo quy định của Luật Giá (sửa đổi).
Vì sao phải biên soạn bộ SGK của nhà nước theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội ?
Theo Nghị quyết 88/2014/QH13, ngoài chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK với kinh phí 16 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không làm được việc này. Ông Phùng Xuân Nhạ, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Ban đầu có hai phương án, giao Nhà xuất bản Giáo dục hoặc chọn một hãng tư vấn (nhà xuất bản) để làm sách. Cả hai phương án đều không thực hiện được do vướng các quy định của pháp luật Việt Nam và của Ngân hàng Thế giới. Sau đó, Bộ GD&ĐT báo cáo Thủ tướng về phương án tuyển chọn tác giả để tổ chức biên soạn một bộ SGK của nhà nước nhưng cũng không xong vì hầu hết các tác giả đã ký hợp đồng với các nhà xuất bản để tổ chức biên soạn bộ SGK theo phương thức xã hội hóa. Do vậy chỉ còn phương án biên soạn những bộ SGK phổ thông mới theo phương thức xã hội hóa.. Vậy nên đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, hạn chế qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/NQ14 về về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018, mà đoàn giám sát của Quốc hội đã nêu ở phần trên?.
Tại phiên giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Đoàn giám sát nghiên cứu bỏ nội dung giao Bộ GD&ĐT soạn thảo một bộ SGK trong dự thảo Nghị quyết về giám sát. Theo Bộ trưởng, nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc. Đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, công cụ để hỗ trợ giáo viên chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học."Chương trình là duy nhất, thống nhất; học liệu là đa dạng và linh hoạt”. Vậy có cần một bộ sách giáo khoa, tức một bộ học liệu của nhà nước hay không?", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt câu hỏi.Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc này khác với nội dung Nghị quyết 122/2000/QH14. Bởi theo Nghị quyết này, Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức biên soạn sách khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. Thực tế, tất cả môn học đều có sách của các tập thể, cá nhân biên soạn.Việc Bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa nữa không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa mà còn có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà ngành GD&ĐT đang hướng tới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội không đồng tình với ý kiến này của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, chương trình chỉ quy định khung kiến thức, còn nội dung kiến thức phổ thông cũng đặc biệt quan trọng, được thể hiện cụ thể ở sách giáo khoa."Nếu Bộ GD&ĐT cũng như Chính phủ chỉ giữ vai trò phê duyệt như hiện nay thì chúng ta chỉ là người thẩm định được nội dung đấy có phù hợp hay không. Trách nhiệm của nhà nước trong việc xây dựng và phát triển nội dung đó thực hiện có được không, nếu với cách biên soạn như thế này", ông Vinh đặt vấn đề.
Cho ý kiến về nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: SGK quy định về nội dung, là thể chế, cái cốt lõi nhất của chương trình."Cho nên, chúng ta chỉ nhận xét nó là một loại học liệu đơn thuần, không phải, không hoàn toàn đúng như thế, chỗ này tôi đề nghị tiếp tục đánh giá", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ: Nghị quyết 122/2000/QH14 giải quyết tình thế lúc đó chứ không thay thế cho Nghị quyết 88/2014/QH13 về việc yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK bằng ngân sách nhà nước. Đồng thời cần hiểu đúng về Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Nghị quyết này nêu rõ: Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn, một hoặc một số đầu sách, không nhất thiết phải đầy đủ một bộ SGK xã hội hóa nhưng vẫn phải bảo đảm nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT tạo thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Nghị quyết 88 là biên soạn bộ sách giáo khoa của nhà nước.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Nghị quyết 88 khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông; Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn 1 bộ SGK, được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Như vậy, việc này đã được ghi trong Nghị quyết của Quốc hội chứ không phải muốn có hay không như báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Xin nhắc lại là, chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, ngày 16/8/2023, Thủ tướng Chính phủ có công điện số: 747/CĐ-TTg về việc bảo đảm SGK và giáo viên kịp thời cho năm học 2023-2024. Công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập nêu tại Báo cáo số 584/BC-ĐGS ngày 11/8/2023 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Phát biểu kết luận phiên họp giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động, nêu rõ những khó khăn, hạn chế, làm rõ trách nhiệm khi chưa có một bộ SGK của nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, xem xét trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương giao Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13.
Kì họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10 tới. Hi vọng tại kì họp này, Quốc hội sẽ thông qua những quyết sách góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018 .