Những giá trị cơ bản của “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”
Văn hóa - Thể thao 12/02/2024 10:11
Ở Tây Nguyên, từ bao đời nay cồng chiêng là tài sản quý giá của mỗi gia đình, dòng họ. Các già làng kể lại rằng: Xưa kia mỗi bộ chiêng có thể đổi từ hai đến ba con voi đực to khỏe, hoặc đổi cả một đàn trâu khoảng 100 con. Do đó, cồng chiêng là tài sản vô giá của người Tây Nguyên từ bao đời nay. Cồng chiêng là phương tiện quan trọng, được gọi là nhạc khí thiêng để con người thông tin với trời đất. Là công cụ quan trọng để các gia đình, cộng đồng tổ chức các nghi lễ, lễ hội hằng năm, nhằm tạ ơn các vị thần trong trời đất và cầu mong một mùa rẫy mới lúa đầy kho, trâu bò chật đồi, heo gà đầy sân trước, chật sân sau.
Người Tây Nguyên có câu hát: “Thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng/ Như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối”. Nghĩa là, ở đâu có cuộc sống, có buôn làng, có con người thì ở đó có cồng chiêng, thiếu nó đồng bào cảm thấy như bữa ăn thiếu cơm, thiếu muối vậy. Cồng chiêng gắn bó với nghi lễ vòng đời người (nghĩa là từ khi con người sinh ra đến khi lớn lên xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, rồi về già và đi về thế giới của tổ tiên, ông bà); đồng thời cồng chiêng cũng gắn bó với nghi lễ vòng cây lúa (từ khi con người đi tìm đất, phát cây, đốt rẫy, gieo hạt, cho đến khi thu hoạch đưa lúa về kho). Nhìn chung, cồng chiêng đối với người Tây Nguyên không bao giờ xa rời cuộc sống sinh hoạt của họ.
Để cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là không gian văn hóa phi vật thể của nhân loại, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch), trực tiếp là Viện Văn hóa-Thông tin phải chứng minh bằng các văn bản và hình ảnh về cồng chiêng Tây Nguyên nhằm làm sáng tỏ 6 tiêu chí của Hội đồng UNESCO quy định.
-Tiêu chí thứ nhất: Cồng chiêng Tây Nguyên phải là không gian văn hóa có giá trị nổi bật, thể hiện tài năng đích thực của nghệ nhân trong cộng đồng. Mỗi nghệ nhân phải là một nốt nhạc riêng, tạo nên một bản nhạc phức hợp, giàu bản sắc.
-Tiêu chuẩn thứ hai: Cồng chiêng Tây Nguyên phải bắt rể sâu xa từ phong tục, tập quán, truyền thống, lịch sử văn hóa, gắn với nghi lễ-lễ hội của cộng đồng.
-Tiêu chuẩn thứ ba: Cồng chiêng Tây Nguyên phải thể hiện được bản sắc riêng của từng dân tộc, từng cộng đồng. Nó là phương tiện giao lưu giữa các dân tộc, làm cho các dân tộc hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn trong mối qua hệ cộng đồng.
-Tiêu chuẩn thứ tư: Cồng chiêng Tây Nguyên phải là một bí quyết độc đáo của gia đình, dòng họ được thể hiện ở một trình độ nghệ thuật cao của nghệ thuật âm nhạc truyền khẩu dân gian.
-Tiêu chuẩn thứ năm: Cồng chiêng Tây Nguyên được coi là một minh chứng độc đáo về truyền thống văn hóa đang còn sống động và tồn tại trong cộng đồng.
-Tiêu chuẩn thứ sáu: Cồng chiêng Tây Nguyên đang có nguy cơ biến mất, do chưa có chính sách bảo vệ thiết thực, hoặc do quá trình giao lưu văn hóa, quá trình đô thị hóa làm thay đổi xã hội quá nhanh.
Những tiêu chí của UNESCO đưa ra về không không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là vô cùng cụ thể và rất chặt chẽ để xét công nhận di sản văn hóa thế giới. Thực tế cuộc sống sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của người Tây Nguyên từ bao đời nay đã làm sáng tỏ một cách sinh động những tiêu chí đó. Vì vậy, việc tôn vinh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại của tổ chức UNESCO ở Paris là hoàn toàn đúng đắn và hợp lí.
Từ ngày đó đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh Tây Nguyên đã nhiều lần tổ chức ngày hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Riêng các địa phương ở Tây Nguyên hằng năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phục hồi lại các nghi lễ, lễ hội trong cộng đồng, như: Lễ cúng sức khỏe, lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ cưới, lễ mừng được mùa, lễ bỏ mả, lễ vào nhà mới… đồng thời mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho âm nhạc cồng chiêng sống lại trong cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng. Trong tương lai, một số tỉnh sẽ xây dựng bảo tàng cồng chiêng Tây Nguyên, đặc biệt sẽ chọn một số buôn làng để xây dựng bảo tàng sống, tạo không gian văn hóa để cồng chiêng phát huy có hiệu quả trong đời sống cộng đồng, góp phần vào việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Đảng ta đã đề ra. Tiếp tục làm cho “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.